Thứ Năm | 29/08/2013 19:49

Myanmar: Thương nhớ cánh đồng xanh

Cùng với ống khói nhà máy hay khu thương mại trọc trời, cánh đồng xanh bất tận cũng sẽ mang lại thịnh vượng cho niềm tự hào tiếp theo của châu Á.
Vựa lúa của châu Á

Tình trạng sản xuất yếu kém hiện nay của nền nông nghiệp Myanmar không thể xóa mờ quá khứ hào quang của “mảnh đất vàng cuối cùng” của châu Á. Từng được mệnh danh là vựa lúa của châu Á, Myanmar đã là cường quốc về xuất khẩu gạo, với kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 3 triệu tấn gạo trong năm 1959-1960.

Myanmar từng là vựa lúa của châu Á.
Myanmar từng là vựa lúa của châu Á.

Cho đến nay, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Myanmar và quyết định mức sống của hơn 2/3 dân số quốc gia này. Theo Ủy ban Dân số Liên Hợp Quốc, dân số tại nông thôn của Myanmar chiếm hơn 66% tổng dân số, tức cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 49,5%.

Thông thường, sự giàu có về đất đai cũng mang lại sự giàu có cho người nông dân. Nhưng hiện nay, đa số nông dân tại Myanmar đều sinh sống ở nông thôn vùng sâu vùng xa, vẫn còn đang rất nghèo. Một phần do sự thiếu thốn đất canh tác. Trong số hơn 2/3 dân số vùng nông thôn tại Myanmar, có đến khoảng 20-40% hoàn toàn không có quyền sử dụng đất đai, còn một tỷ lệ lớn có quyền sử dụng nhưng lại thiếu sự đảm bảo pháp lý thực sự.

Và còn rất nhiều người như Kyaw Thu, một nông dân 27 tuổi đã lao động trên mảnh đất do gia đình để lại từ khi còn là một thiếu niên.

Khó khăn chồng chất

Kyaw Thu còn cho biết: "Khó khăn của chúng tôi còn là hạn hán. Không có mưa, chúng tôi không thể làm gì. Một số người có tiền có thể lấy nước từ các kênh rạch. Nhưng chúng tôi không có tiền hay máy móc, vì vậy chỉ còn một cách duy nhất là chờ đợi”.

"Chính phủ đang cố gắng phát triển ở cả hai khâu sản xuất và bán hàng. Bằng những dự án hợp tác cho phép nông dân mua hạt giống rẻ hơn và tạo thuận lợi để xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi nông dân Myanmar có thể bán với giá cao hơn so với thị trường trong nước".

Hình ảnh những nông dân Myanmar với phấn Thanaka được bôi lên mặt để chống nắng.
Hình ảnh những nông dân Myanmar với phấn Thanaka được bôi lên mặt để chống nắng.

Trong khi những trợ giúp từ chính phủ chưa thực sự mang lại thành quả, thì một vài sáng kiến khác lại đem đến những hậu quả tiêu cực.

Trong những năm gần đây, chính phủ Myanmar đã xây dựng một loạt các tuyến đường nối liền nhiều quốc gia và cắt qua nhiều trang trại nông nghiệp, buộc nhiều nông dân phải di chuyển đến nơi khác sản xuất.

Nan Shwe, một nông dân địa phương cho biết: "Kể từ khi con đường này được xây dựng, cuộc sống của chúng tôi đã trở nên khó khăn hơn. Hầu hết đất nông nghiệp của chúng tôi đã bị tước đoạt và chúng tôi đã không nhận được bất kì bồi thường nào. Bây giờ, chúng tôi phải lao động và sinh sống ở những nơi khác".

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với nền nông nghiệp Myanmar là đất đai và hệ thống tiêu tưới. Nhưng chính sự thiếu thốn, thậm chí bị tước đoạt quyền sử dụng đất đã khiến những người nông dân Myanmar luôn thất vọng và lo lắng cho tương lai của mình.

Su Su Nwe, một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của nông dân cho biết: "Mặc dù Tổng thống U Thein Sein khẳng định ông đang lắng nghe nông dân, nhưng chính quyền địa phương lại đang lờ đi tiếng nói của chúng tôi, cũng như những vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng tổng thống và chính phủ dân sự của ông đang thực sự lắng nghe chúng tôi".

Không quên cánh đồng xanh

Ai cũng biết rằng, bên cạnh những khu công nghiệp, thương mại, du lịch hay mua sắm,… chìa khóa cho sự thịnh vượng của Myanmar còn nằm trên những “đồng cánh xanh hưng thịnh”.

Khi nói đến tăng trưởng kinh tế, các ngành kinh tế khác có thể khỏa lấp sự sa sút của nền nông nghiệp Myanmar bằng sự phát triển thần kì có thể dự đoán từ trước. Nhưng khi đề cập đến phát triển kinh tế, nếu nông nghiệp không cải thiện mạnh mẽ, e rằng cơ cấu nền kinh tế Myanmar sẽ bị mất cân bằng lớn. Nhất là khi dòng vốn có xu hướng chảy về các thành phố hơn vùng nông thôn, người nông dân có thể gặp nhiều khó khăn về vốn dù cho ngân hàng chính sách chuyên hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn, đầu tư vào khâu giống cây trồng đã được thành lập.

Tuy nhiên, tham vọng “hóa mình” trở thành con hổ mới của “đường biên giới cuối cùng” hay “mảnh đất vàng cuối cùng” - Myanmar vẫn còn nguyên triển vọng. Phần còn lại, hãy để cho thời gian, ước vọng thoát nghèo, cũng như quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền dân sự mới lên nắm quyền tại Myanmar cùng trả lời.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện