Thứ Bảy | 22/06/2013 17:01

Myanmar, miền đất trước những ngã rẽ

Thứ ánh sáng nhợt nhạt chiếu sáng buổi tối Yangon làm tôi liên tưởng ngay tới khả năng cung cấp điện năng của thành phố này.
Myanmar đang nổi lên như nền kinh tế quyến rũ bậc nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 23-5, trong năm tài chính 2013-2014, tăng trưởng của Myanmar sẽ tăng lên 6,75%. Năm ngoái mức tăng này là 6,5%.

Đất nước nằm kề biển Anmanda này cũng giáp biên giới với rất nhiều nước. Myanmar thực sự là vùng đất cửa ngõ, miền đất tại ngã tư đường
Đất nước nằm kề biển Anmanda này cũng giáp biên giới với rất nhiều nước. Myanmar thực sự là vùng đất cửa ngõ, miền đất tại ngã tư đường

Chỉ trong một năm, Myanmar, mỏm đất với gần 2000km bở biển nằm giữa vịnh Bengal và vịnh lớn Martaban, một nhánh của biển Andaman, này, đã tăng gấp năm lần lượng vốn đầu tư, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,4 tỉ USD trong năm tài chính 2012-2013.

Theo báo cáo của IMF, Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030.

Tôi đã gặp may khi đến Myanmar đúng dịp đặc biệt với rất nhiều sự kiện. Diễn đàn kinh tế Thế giới khai mạc ở Naypyitaw. Hoàng Anh Gia Lai khởi công dự án đầu tư bất động sản lớn nhất Myanmar. Tôi cũng nghe nhiều về khả năng trúng thầu dự án viễn thông di động của Viettel tại Myanmar.

Trên chuyến bay sang Myanmar ngày hôm đó, tôi thấy tờ Myanmar Times đăng ngay trang nhất tin hai đối thủ của Vietel, Vodafone và China Mobile rút khỏi thương vụ này.

Một điều tôi cứ thắc mắc mãi khi nhìn vào tấm bản đồ Myanmar trong lúc đợi máy bay hạ cánh là không hiểu sao nhìn trên bản đồ, so với vịnh Bengal (Bengal bay) , thì Martaban nhỏ hơn nhiều nhưng lại được gọi là vịnh lớn (gulf).

Nền kinh tế sơ khai

Chúng tôi đặt chân xuống Yangon lúc trời vẫn còn chưa tối hẳn, khoảng 6h30 chiều. Trời mưa, và có vẻ như đã mưa cả ngày. Giờ đang là mùa mưa của Myanmar.

Những con đường của Yangon chỉ có ô tô chạy. Từ năm 2000, chính quyền Myanmar đã thông qua việc cấm xe máy trên những đường phố chính của Yangon. Bạn có thể sẽ hơi lạ mắt những lái xe tay lái nghịch nhưng vẫn chạy đường bên phải. (Kỳ thực tận lúc về Việt Nam tôi mới biết hóa ra ở Myanmar tay lái nghịch hay tai lái thuận đều được chấp nhận hết).

Dọc đường từ khách sạn đến quán ăn, chúng tôi vẫn chạy xe dọc theo trục đường Kabaraye Pagoda. Trời tối đi rất nhanh. Xe chúng tôi chạy qua những dãy phố với những hàng ăn và quán bia ngay trên vỉa hè, dựa lưng vào những khu nhà chung cư thấp tầng kiểu cũ mà miền Bắc vẫn hay gọi là “nhà lắp ghép” do được xây bằng cách ghép những tấm bê tông cốt thép lại với nhau.

 Giống mọi nền kinh tế sơ khai, hoạt động kinh doanh vỉa hè của Myanmar đang phát triển đa dạng,
Giống mọi nền kinh tế sơ khai, hoạt động kinh doanh vỉa hè của Myanmar đang phát triển đa dạng,

Nhìn thoáng qua, có cảm giác giống như Hà Nội hay Sài Gòn của những năm 90, những cửa hàng mở tại nhà tầng 1 khu tập thể, đèn tuýp sáng hắt hiu. Cả một nền kinh tế vỉa hè đang vận hành.

Trời đã tối hẳn ngay khi chúng tôi còn chạy trên đường dù đường không quá dài. Đèn đường đã được bật lên. Các cửa hiệu hai bên đường cũng đã lên đèn, nhưng tuyệt không phải là cái thứ ánh sáng tưng bừng đủ sắc màu của các đô thị lớn mà là thứ ánh sáng cũ kỹ và hơi nhợt nhạt của các loại đèn gia dụng. Cái ánh sáng có chút yếu ớt này phần nào làm đường phố có vẻ tịch mịch.

Yangon về tối trong lần đầu gặp mặt đã chào đón tôi bằng cái ánh sáng hắt hiu như vậy. Và đây là thành phố sầm uất nhất của Myanmar.

Nhưng thứ tôi nghĩ đến khi nhìn thấy ánh sáng nhờ nhờ này không phải là sự hoài niệm mà là điện. Có thể thấy ngay khả năng cung cấp điện vẫn đang là vấn đề, chí ít là với Yangon này. Điều này sau này tôi được mấy người thợ xây xác nhận khi la cà với họ ở quán nước ven công trường. Tại Yangon việc mất điện diễn ra khá thường xuyên.

Phải đến tận hôm sau tôi mới có dịp nhìn ngó kỹ hơn Yangon. Những đường phố đẹp đẽ gọn gàng, cho dù những căn nhà hai bên cũ kĩ, cho thấy dấu tích của một nơi đã từng là đô thị phồn hoa. Myanmar từng là quốc gia giàu nhất Đông Nam Á hơn 50 năm trước, với GDP bình quân đầu người cao gấp 3 lần Indonesia, gấp 2 lần Thái Lan.

Trên những bảng quảng cáo ngoài trời có thể bắt gặp những nhãn hiệu toàn cầu như Samsung, Coca Cola. Có một vài nhãn hàng quen thuộc của Việt Nam cũng thấy xuất hiện ở đây. Tôi bắt gặp một chiếc xe bán tải in hình vẽ quảng cáo cho thiết bị điện Lioa chạy trên đường và một tấm biển quảng cáo Đạm Phú Mỹ.

Tôi nhận ra một điều, những nhãn hàng Việt Nam cho ta cảm giác gặp lại người quen. Nhưng những nhãn hàng toàn cầu mới cho ta cảm giác quen thuộc, tựa như vừa có một sự dịch chuyển nho nhỏ thẳng từ những đường phố Việt Nam sang đây. Toàn cầu hóa, trước tiên có lẽ chính là cảm giác quen thuộc với những tấm biển quảng cáo Coca Cola, Samsung hay Nokia hiện diện khắp nơi nằm ở những ngã ba, ngã tư đường phố.

Và có một tấm pano tôi thường xuyên gặp là tấm pano chào mừng in một số hình ảnh đặc trưng của Myanmar với hình ngôi chùa lớn màu vàng nổi bật và dòng chữ in rất to “Welcome to Myanmar, Golden Land”.

Tìm kiếm cơ hội

 Một góc dự án khu thương mại phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai, nằm ngay bên bờ hồ Inya.
Một góc dự án khu thương mại phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai, nằm ngay bên bờ hồ Inya.

Nằm ngay đối diện khách sạn Sedona, nơi tôi ở là công trường của Hoàng Anh Gia Lai. Sáng 6/5, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chính thức khởi công dự án khu trung tâm thương mại phức hợp Myanmar Center. Đêm trước lễ khởi công, hơn 3h sáng máy móc vẫn chạy và các cần cẩu vẫn hoạt động. Tôi đếm thấy 4 chiếc lớn và 4 chiếc cần cầu nhỏ hơn. Một công nhân làm ca đêm trong công trường khoe ánh đèn trong công trường này không bao giờ tắt dù khách sạn Sedona vẫn một tuần đôi lần mất điện.

Đây là thương vụ đầu tư bất động sản đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai vào Myanmar. Ông Đoàn Nguyên Đức từng cho biết sẽ đầu tư tới hơn 400 triệu USD cho dự án nằm tại thành phố quan trọng nhất của Myanmar

Dự án có diện tích gần 8ha, nằm tại khu trung tâm, đối diện hồ Inya, hồ lớn nhất của Yangoon, ngay tại giao điểm của hai trục đường chính lớn nhất Yangoon là Kaba Aye Pagoda và No1 Industry. Khu này thường được gọi là “thung lũng vàng”, tập trung hầu hết các đại sứ quán, các biệt thự từ thời thuộc địa của Anh… với trục đường Kabaraye Pagoda xuyên suốt Yangon, đi qua viện bảo tàng đá quý, ngân hàng trung ương Myanmar.

Khu đất này ông Đức được thuê trong 70 năm với giá 750$/m2. Sau khi hoàn thiện sử dụng đưa vào vận hành khoảng 450.000m2 diện tích thương mại (bao gồm văn phòng và và khách sạn). Ngoài ra dự án còn được chính phủ Myanmar miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và miễn thuế 5 năm sau khi có lãi.

Giá thuê văn phòng tại Myanmar khá đắt do tình trạng thiếu cung. Theo ông Bắc Hà, chủ tịch BIDV, mức giá văn phòng cho thuê hàng tháng tại Yangon khoảng 100$/m2 cho một văn phòng chưa phải loại A. Khu công trình này của Hoàng Anh Gia Lai đi vào hoạt động sẽ giảm áp lực về nguồn cung xuống. “Dài hạn thì chưa biết, nhưng trước mắt thì chỉ tính tiền đất thôi đã thấy dự án này chắc chắn có lãi rồi”, một doanh nhân trong ngành địa ốc cùng sang đợt này nhận xét.

Có thể là có rất nhiều vận may, nhưng không thể phủ nhận rằng ông Đoàn Nguyên Đức đã rất quyết đoán và táo bạo khi chấp nhận rủi ro và nhanh chân nhảy vào Myamar từ sớm. Theo như ông Đức khoe thì dự án này ông đã mua từ 2009.

Giờ thì khá nhiều doanh nhân Việt Nam đang đổ về mảnh đất này. Trong sự kiện lần này của Hoàng Anh Gia Lai và tại hội thảo về đầu tư vào Myanmar do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) tổ chức chiều cùng ngày, có thể gặp rất nhiều đại diện doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính và cả những ngành nghề khác. Khá ngạc nhiên là tôi gặp cả một nữ doanh nhân là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Lào Cai.

Người ta thường nói Myanmar là Việt Nam 10 - 20 năm trước. Dù rất nhiều thứ ở đây gợi nên cảm giác như vậy thì tôi vẫn cho rằng mọi so sánh sẽ đều là khập khiễng. Sự phát triển của một quốc gia không phải là một hiện tượng tự thân đơn lẻ mà liên hệ rất chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu.

Thế giới hiện nay đã khác rất nhiều thế giới 10 hay 20 năm trước. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh, sự linh hoạt của dòng vốn toàn cầu, sự lỏng lẻo của thị trường lao động thế giới, internet phát triển, giá cước viễn thông rẻ,… có thể làm cho những sự thay đổi diễn ra ngày càng nhanh.

Tin mới nhất tôi vừa đọc ngay trên chuyến bay đến Myanmar là mới đây Coca Cola đã quay lại Myanmar sau một thời gian dài rời khỏi đất nước này. Nếu lựa chọn đúng, đất nước này sẽ chuyển mình rất nhanh. Như Thomas Friedman vẫn nói, con tàu toàn cầu hóa vẫn đang chuyển động với vận tốc ngày càng nhanh, và bạn cần phải lên kịp chuyến tàu.

Thách thức còn nhiều

Ngay khi bước xuống sân bay Yangon tôi đã thấy một tấm biển lớn chào đón với dòng chữ Myanmar, miền đất vàng (Golden Land). Tôi thường xuyên gặp lại cái biển báo này ở nhiều nơi trong mấy ngày lưu lại. Với những gì đang thể hiện thì đúng là Myanmar đang là “miền đất quả vàng” với những doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đấy.

Nhưng tại sân bay Bangkok tôi đã nhìn thấy một cuốn sách viết về Myanmar gọi đây là Đất nước tại những ngã rẽ (country in crossroad). Và tôi thích cách gọi này!

Ngày tôi lưu lại Myanmar cũng là ngày Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) khai mạc tại thủ đô Naypyitaw. Có vẻ như câu chuyện được người ta ghi nhớ nhất (hoặc là tôi ghi nhớ nhất) ở sự kiện này là các quan khách càu nhàu vì thiếu máy ATM. Nhật báo phố Wall kể về những cây ATM chỉ được các khách sạn lắp trước khi tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới có vài giờ để đảm bảo đại biểu không bị thiếu tiền.

Cũng khá buồn cười với ý nghĩ các quan khách đến tham dự WEF sẽ coi vấn đề nào là nghiêm trọng hơn, lạm phát ở châu Á hay họ không thể rút được tiền tại một đất nước xa lạ và thiếu tiện nghi. Nếu tôi mà là họ có lẽ tôi sẽ chọn vấn đề sau.

Myanmar đang đứng trước những sự lựa chọn cho hướng đi tiếp theo. Và nếu không có một sựa lựa chọn chính xác, chờ đợi sự bùng nổ nền kinh tế ở nước này có thể cũng chỉ như chờ Godot, khi những cơ hội qua đi và bước nhảy vọt sẽ không bao giờ đến.
Myanmar đang đứng trước những sự lựa chọn cho hướng đi tiếp theo. Và nếu không có một sựa lựa chọn chính xác, chờ đợi sự bùng nổ nền kinh tế ở nước này có thể cũng chỉ như chờ Godot, khi những cơ hội qua đi và bước nhảy vọt sẽ không bao giờ đến.

Myanmar đang là một đất nước đứng trước những ngã rẽ cần lựa chọn. Bản báo cáo đề cập đến ở đầu bài viết này nói Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Nhưng sự tăng trưởng này có điều kiện: chỉ khi chính phủ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản và đa dạng hóa nền kinh tế.

Quay trở lại với vấn đề điện của Myanmar. Dĩ nhiên thiếu điện không chỉ là vấn đề của việc chiếu sáng đô thị. Nhưng điện cũng không phải là vấn đề duy nhất của Myanmar. Hạ tầng, nguồn nhân lực, và nói chung tất cả những điều kiện hạ tầng cơ bản của một nền kinh tế Myanmar đều còn yếu.

Theo McKinsey, Myanmar vẫn là một thị trường “phải tự làm lấy mọi thứ”. Với quy mô hiện tại của nền kinh tế, tăng gấp 4 lần không phải là điều gì quá ghê gớm, nhưng có thể trở nên không khả thi nếu kinh tế Myanmar vẫn chỉ xoay quanh nông nghiệp, năng lượng và khai mỏ.

Trong khi đó, đầu tư chuẩn bị cho nền tảng của nền kinh tế là một quá trình tốn kém. Để đạt mức tăng trưởng 8% mỗi năm, ước tính Myanmar có thể mất 320 tỷ USD trong vòng 20 năm tới chỉ để đầu tư cho hạ tầng. Thêm vào đó sẽ là hàng tỷ USD để cải tổ cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo nhân lực.

Nhân sự cũng là một vấn đề lớn. Ông Bắc Hà từng đề nghị chính quyền Yangon hỗ trợ dự án của Hoàng Anh Gia Lai bằng cách cho phép tăng tỉ lệ người nước ngoài trong dự án lên vượt tỉ lệ quy định của Myanmar trong giai đoạn đầu để có thể đưa nhân công từ Việt Nam sang nhằm vận hành trơn tru những thiết bị thi công hiện đại. Chảy máu chất xám là cái giá Myanmar đang phải trả cho thập kỷ mất mát của mình, và di sản để lại là lực lượng nhân công lao động trình độ thấp.

Cho dù chính phủ Myanmar đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ và những chiến dịch quảng bá nhằm thu hút đầu tư, các doanh nghiệp phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng khi vào thị trường này. Chưa thấy có nhiều dự án đầu tư lớn vào cơ sở sản xuất.

Các nhà kinh tế dự báo Myanmar sẽ bùng nổ, là con hổ kế tiếp của châu Á. Chẳng mấy ai nghi ngờ điều này. Nhưng vấn đề là sự bùng nổ đó sẽ diễn ra khi nào. Cuối cùng trong dài hạn thì chúng ta đều chết như Keynes nói. Và để có thể đến được tương lai, vấn đề của người làm kinh doanh là đừng chết ở thì hiện tại.

Những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai chọn vị thế là người đến sớm và đã may mắn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể có những may mắn thuận lợi ngay từ đầu. Cần phải đi những bước thận trọng trước tất cả những sự chưa hoàn hảo của nền kinh tế đang ngấp nghé bùng nổ này. Vấn đề lớn của doanh nghiệp có lẽ sẽ là làm thế nào đủ thận trọng, nhưng vẫn không bỏ lỡ chuyến tàu. Bởi đất nước ở ngã rẽ này sẽ thay đổi nhanh thôi.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện