Sơn Phạm

 
Lâm Huy Thứ Ba | 03/10/2017 13:00

Myanmar đã hết hấp dẫn?

Tâm lý lo ngại đã góp phần khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar giảm đến 22% trong năm 2016, chỉ đạt 2,2 tỉ USD.

Trái ngược với dự đoán về một cuộc bùng nổ dòng vốn đầu tư sau khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền cùng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, kinh tế Myanmar bất ngờ tăng trưởng chậm lại. Một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nhất là bất động sản và xây dựng. Mặc dù giá thuê văn phòng tại thành phố Yangon hiện đắt nhất Đông Nam Á (80 USD/m2/tháng) nhưng không vì thế mà các nhà đầu tư vội vã triển khai dự án giống như trước đây. Lý do là Chính phủ mới đang siết lại khâu thủ tục cấp phép đầu tư, cũng như tăng mạnh một số sắc thuế quan trọng như VAT và thuế nhập khẩu.

Việc chậm ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết cũng khiến giới đầu tư nản lòng. Trước đó, Luật về Nhà chung cư đã cho phép người nước ngoài sở hữu đến 40% tổng lượng căn hộ trong một tòa nhà nhưng việc thiếu vắng các thông tư triển khai trên thực tế khiến cho quy định này vẫn chưa phát huy hiệu quả. “Cho đến nay, người nước ngoài vẫn bị cấm không được sở hữu đất lâu dài hay không được phép thuê đất với thời hạn dài hơn 1 năm, trừ khi họ nhận được giấy phép đầu tư với thời gian thuê đến 70 năm. Người nước ngoài vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy chủ quyền nhà nào”, Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc hãng tư vấn Duane Morris và là thành viên ban kiểm soát của Tổng Công ty Bảo hiểm Petrovietnam Insurance, chia sẻ với NCĐT.

Bên cạnh thị trường bất động sản đóng băng, các lĩnh vực khác chịu tác động lớn là khai thác khoáng sản và xăng dầu. Một phần vì giá dầu thấp khiến cho tiến độ các dự án bị ảnh hưởng, phần vì Chính phủ mới đang ưu tiên nguồn lực cho các ngành nghề khác như nông nghiệp nông thôn - nơi tập trung 70% dân số sinh sống để ổn định an ninh chính trị khi quá trình chuyển giao quyền lực vẫn đang diễn ra.

“Chúng tôi muốn thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào khu vực này. Trong đó sẽ tìm kiếm các cơ chế hợp tác công tư và thúc đẩy hình thành nhiều hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nông nghiệp”, bà Aung San Suu Kyi phát biểu trên tờ Nikkei Asian Review.

Một số nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy thất vọng với môi trường đầu tư ở Myanmar, đặc biệt là cơ sở hạ tầng khi việc mất điện thường xuyên xảy ra cũng như việc chính quyền mới bổ nhiệm một số nhân vật không có nền tảng kinh tế vào các vị trí quan trọng. Nhưng rủi ro về an ninh chính trị mới là vấn đề đáng ngại nhất cho giới đầu tư. Bằng chứng là các cuộc xung đột giữa Chính phủ với bộ tộc Hồi giáo Rohingya dẫn tới hơn 65.000 người chạy sang Bangladesh để tị nạn.

Tâm lý lo ngại đã góp phần khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar giảm đến 22% trong năm 2016, chỉ đạt 2,2 tỉ USD, khá khiêm tốn so với 24,3 tỉ USD mà Việt Nam thu hút được.

Mặc dù vậy, một số tập đoàn lớn như Coca-Cola vẫn đặt niềm tin khi đã đầu tư 170 triệu USD vào Myanmar; một số doanh nghiệp dược phẩm, sản xuất chế biến tiếp tục lập cơ sở sản xuất tại thị trường này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Myanmar dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trở lại (7,5%) trong năm nay sau khi chỉ đạt 6,3% năm 2016.

“Bà Aung San Suu Kyi cần thêm thời gian, sự ủng hộ từ phía chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Một khi các luật lệ quan trọng được thông qua và triển khai đồng bộ, cùng sự thèm khát của nhà đầu tư đối với Myanmar vẫn duy trì, tôi cho rằng nền kinh tế  nước này vẫn có tiềm năng rất lớn để tăng tốc phát triển. Chúng ta cần một chút kiên nhẫn và lạc quan”, Tiến sĩ Massmann nhận định.

Lâm Huy