Chủ Nhật | 02/06/2013 15:11

Myanmar: Con hổ mới của Đông Nam Á

Có 8 lý do để người ta tin rằng Myanmar - quốc gia vừa thoát khỏi chế độ độc tài quân sự - sẽ là con hổ mới của Đông Nam Á.
Trong những ngày này, hiếm có quốc gia nào trên thế giới nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như Myanmar. Tháng 5 năm nay, tổng thống Thein Sein đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ và có cuộc hội đàm với tổng thống Barack Obama. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Myanmar tới Mỹ kể từ năm 1966, đồng thời đánh dấu chấm hết cho thời kỳ bị cô lập quốc tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Có thể nói, những thay đổi chính trị không phải là thứ khiến Myanmar nhận được nhiều sự chú ý của các nước phương Tây, mà chính là những cơ hội kinh tế đang ẩn giấu ở quốc gia này. Điều này thể hiện rõ qua việc ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế để mắt và lăm le nhảy vào thị trường chưa được khai phá ở Myanmar.

Kể từ giai đoạn 1900 đến 1990, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanamr tăng trưởng không quá 1,6%/năm - chỉ bằng một nửa so với trung bình chung cả thế giới. GDP bình quân đầu người của Myanmar cũng hầu như không tăng suốt giai đoạn này, trong khi trung bình chung toàn cầu tăng gấp 4 lần.

Kết quả là, kinh tế Myanmar hiện chỉ chiếm 0,2% GDP toàn châu Á. Chẳng những thế, thu nhập của người dân Myanmar cũng rất khiêm tốn. Cho đến nay, chỉ có 2,5 triệu người Myanmar, tương đương 4% dân số, có đủ thu nhập để chi tiêu một cách tùy ý. Không giống nhiều quốc gia châu Á khác, Myanmar ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp.

Từ những con số trên đây, thật khó để hình dung những cơ hội mà các nhà đầu tư nhìn thấy ở Myanmar. Tuy nhiên, theo Foreign Policy, dù có xuất phát thấp, xong vẫn có nhiều thứ để lạc quan về Myanmar. Dưới đây là 8 lý do để tin rằng Myanmar đang đứng trước một thời kỳ bùng nổ mới.

1. Có thể đi tắt đón đầu

Myanmar 1

Mọi con đường phát triển kinh tế đều phải trải qua thử nghiệm và thử thách, song có một điều may mắn cho Myanmar là họ không cần phải thử nghiệm bất kỳ mô hình kinh tế mới nào mà chỉ cần quan sát và học hỏi ngay ở những quốc gia láng giềng và ngay trong khu vực. Có thể nói, những kinh nghiệm từ các nền kinh tế mới nổi của châu Á cho thấy Myanmar hoàn toàn có thể phát triển một cách nhanh chóng nếu biết đa dạng hóa nông nghiệp, đô thị hóa và tăng năng suất đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, thu nhập ở các nền kinh tế đang phát triển đang tăng nhanh hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Trên toàn cầu, thời gian trung bình để GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi từ mức 1.300 USD - mức hiện tại của Myanmar - đã được rút ngắn đi khá nhiều.

Trong Cách mạng công nghiệp Anh ở thế kỷ 18, phải mất 150 năm tiêu chuẩn cuộc sống của người dân mới được cải thiện. Đến thập niên 1960, con số này giảm còn 47 năm. Kể từ thập niên 2000, thời gian giảm xuống còn 17 năm. Ở những nền kinh tế đang bùng nổ của châu Á như Việt Nam và Trung Quốc, chỉ mất 11 đến 12 năm để thu nhập trung bình của người dân tăng gấp đôi.
2. Gần với các thị trường lớn và đang phát triển

Myanmar là quốc gia khá may mắn về vị trí địa lý khi giáp Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Thái Lan - đều là những thị trường lớn của thế giới và khu vực. Nhiều thị trường trong số này đang phát triển nhanh chóng, giúp Myanmar có cơ hội trở thành thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh kinh tế châu Á đang ngày một hội nhập hơn. Dự kiến khu thương mại tự do (FTA) của khối ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Ngoài ra, Myanmar cũng có cơ hội trở thành thị trường du lịch lớn nhờ ráp gianh với các thị trường lớn, với tổng số khách du lịch tiềm năm lên tới 2,5 tỷ người vào năm 2025.

3. Tài nguyên thiên nhiên phong phú

Dù bị kìm kẹp dưới chế độ độc tài quân sự trong nhiều thập kỷ, song đổi lại Myanmar lại là quốc gia vô cùng giàu có về tài nguyên, từ dầu, gỗ, khí đốt và nước.

Theo hãng sản xuất dầu BP trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Myanmar ước tính vào khoảng 7,6 nghìn tỷ feet khối, xếp hàng thứ 46 thế giới. Ngoài ra, Myanmar cũng có trữ lượng dầu mỏ khá lớn dù chưa xác định được cụ thể do hoạt động thăm dò còn hạn chế.

Myanmar cũng là quốc gia chiếm 90% sản lượng ngọc bích toàn cầu và là một trong những nhà sản xuất đá quý hàng đầu thế giới. Cuối cùng, Myanmar có tiềm năng nông nghiệp khá lớn với diện tích đất nông nghiệp đứng thứ 25 thế giới.

4. Nguồn lực dồi dào

Nghiên cứu của Foreign Policy cho thấy 7 lĩnh vực then chốt của kinh tế là sản xuất, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, năng lượng, khai khoáng, du lịch, dịch vụ tài chính và viễn thông có thể tăng gấp đôi quy mô kinh tế của Myanmar, từ 45 tỷ USD hiện tại lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời tạo ra hơn 10 triệu việc làm ngoài nông nghiệp.

Bên cạnh đó, số lượng người tiêu dùng đủ năng lực mua sắm ở Myanmar sẽ tăng từ 2,5 triệu lên 19 triệu. Số tiền chi tiêu cũng tăng gấp 3 lần lên 100 tỷ USD, nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Myanmar sẽ phải tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng năng suất lao động, từ 2,7% lên 7%. Mặc dù vậy, đây không phải là điều hiếm gặp ở châu Á, có thể kể đến như Thái Lan và Trung Quốc.

Nếu làm được như vậy, kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng tới 8%/năm.

5. Lực lượng lao động lớn

Myanmar có một nguồn tài nguyên vô giá - đó chính là người dân. Ở Myanmar, dân số ở độ tuổi lao động ước tính vào khoảng 46 triệu người. Chưa kể, mức lương thấp có thể biến Myanmar trở thành một công xưởng sản xuất mới của thế giới. Mặc dù vậy, Myanmar sẽ phải đầu tư phát triển năng lượng, đồng thời đào tạo tay nghề và kỹ thuật cho người lao động.

Tuy nhiên, điều này không phải là không thể khi Myanmar có tới 3 đến 5 triệu người lao động ở nước ngoài. Nhiều người trong số họ đã nhanh chóng phát triển được kỹ năng và kinh nghiệm làm việc quốc tế. Nếu có thể thuyết phục được lực lượng lao động này trở về nước, kinh tế Myanmar tự động sẽ có thêm nguồn đào tạo kỹ năng cũng như sự năng động cần thiết.

Myanmar

Thậm chí ngay cả khi không về nước, những người lao động này vẫn có khả năng trở thành những nhà đầu tư lớn cho kinh tế Myanmar. Chẳng hạn, người lao động nước ngoài ở Trung Quốc chiếm tới 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của đất nước trong giai đoạn từ năm 1985 đến 2000.

6. Khả năng đô thị hóa lớn

Myanmar hiện vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, trong đó nông thôn chiếm đa số so với thành thị, song đây cũng chính là cơ hội tăng trưởng hiếm có cho Myanmar. Thực tế đã chứng minh, những nền kinh tế mới nổi có khả năng đa dạng hóa nông nghiệp và có dân số di cư tới đô thị lớn đều có mức tăng trưởng kinh tế vượt trội.

Trong khi, các nước châu Á khác đang đô thị hóa với tốc độ và quy mô chưa từng có, chỉ có khoảng 13% dân số Myanmar sống ở các thành phố lớn. Ngoài 2 thành phố Yangon và Mandalay, chỉ có 8 thành phố ở Myanmar có dân số trên 200.000 người. Trong khi đó, ở Thái Lan và Việt Nam, con số này lần lượt là 32 và 16.

Nếu muốn tăng tốc độ phát triển, Myanmar trước tiên cần phải thay đổi mô hình sản xuất, qua đó thu hút người lao động tới các thành phố lớn. Quá trình di cư lao động như vậy sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng, thu nhập và việc làm.
7. Tận dụng công nghệ kỹ thuật số
Myanmar đang bắt tay vào chuyển đổi mô hình kinh tế trong bối cảnh công nghệ di động và Internet đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng tới đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu tại 120 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết băng thông Internet tăng 10% trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2002 giúp GDP các nước tăng thêm 1,38%.

Bằng cách khai thác công nghệ trong các lĩnh vực chủ chốt của chính phủ như giáo dục, y tế, ngân hàng và bán lẻ, Myanmar có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

8. Mối quan hệ với các cường quốc

Từ Brussels đến Washington, các nhà lãnh đạo phương Tây đều nhất trí sẽ hỗ trợ hết mình cho nền dân chủ non trẻ của Myanmar sau nhiều năm bị cô lập. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các tổ chức đa phương và các nhà tài trợ.

Năm 2012, World Bank tiếp tục cho Myanmar vay và mở văn phòng đại diện tại Yangon. Các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng dần được gỡ bỏ giúp các nhà lãnh đạo có thể đi lại, chính phủ có thể mở các đại sứ quán ở nước ngoài.

Với hàng chục đoàn đại biểu thương mại tới thăm, cùng hàng trăm tập đoàn đa quốc gia dõi theo, Myanmar đang có một nền tảng tuyệt vời và vững chắc từ cộng đồng quốc tế để có thể phát triển kinh tế và sánh ngang với các quốc gia trong khu vực.

Nguồn Foreign Policy/Dân Việt


Sự kiện