Mọi người xếp hàng mua bình oxy tại nhà máy thuộc khu công nghiệp Nam Dagon, ở Yangon, Myanmar. Ảnh: AP.

 
Minh Duy Thứ Năm | 29/07/2021 10:46

Myanmar có nguy cơ thành "quốc gia siêu lây nhiễm" COVID-19

Tình trạng thiếu hụt oxy y tế, thuốc men và thiết bị y tế đang diễn ra khắp Myanmar.

Nguy cơ siêu lây nhiễm

Theo The Guardian, chính quyền Myanmar đang tìm kiếm sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó đại dịch COVID-19 giữa lúc chuyên gia của Liên Hợp Quốc cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành "quốc gia siêu lây nhiễm".

Myanmar đang phải trải qua đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lúc vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng kép về kinh tế, chính trị. Đặc phái viên Tom Andrews của Liên Hợp Quốc về Myanmar cho biết: "Chúng tôi biết, số ca nhiễm ở Myanmar đang tăng mạnh. Một sự gia tăng rất nhanh chóng, đáng báo động".

10 nhà hỏa táng mới dự kiến sẽ được xây dựng thêm ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar để đối phó với tình trạng người chết gia tăng nhanh.

"Ở Yangon có thể dễ dàng nhìn thấy 3 kiểu xếp hàng. Hoặc xếp hàng trước các cây rút tiền ATM, hoặc mua bình oxy hoặc tại các nhà xác, các lò hỏa táng", ông Andrews nói.

Tình trạng thiếu hụt oxy y tế, thuốc men và thiết bị y tế đang diễn ra khắp Myanmar. Ở một số khu vực, người dân bắt đầu treo cờ trắng và cờ vàng bên ngoài cửa nhà để kêu gọi hỗ trợ lương thực và thuốc men.

 

Lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến hàng triệu người cũng không thể ngăn chặn số ca lây nhiễm tăng mạnh khi chương trình tiêm chủng vaccine đình trệ, hệ thống xét nghiệm gần như sụp đổ, các bệnh viện công gần như tê liệt vì đội ngũ y tế đình công.

Trong khi đó, các nhà hỏa táng quá tải vì số người chết tăng nhanh. Nhiều tình nguyện viên đã hỗ trợ vận chuyển và mai táng thi thể của các nạn nhân COVID-19 chết tại nhà.

Quang cảnh nghĩa trang Yay Way ở Yangon, Myanmar vào ngày 14.7.2021. Ảnh: Anadolu Agency.
Quang cảnh nghĩa trang Yay Way ở Yangon, Myanmar vào ngày 14.7.2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Trong ngày 28.7, Myanmar ghi nhận thêm gần 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 284.000 người. Cùng ngày, Myanmar cũng ghi nhận 365 ca tử vong, nâng số người chết vì đại dịch ở đây lên hơn 8.200 ca, trong đó hơn 4.600 ca ghi nhận chỉ từ đầu tháng 6 đến nay. Tuy vậy, số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.

Kêu gọi hợp tác đối phó COVID-19

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing hôm 28.7 kêu gọi mở rộng hợp tác với các nước ASEAN và "những nước thân thiện" khác nhằm ngăn chặn, kiểm soát và điều trị COVID-19.

Ông Min Aung Hlaing cũng kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng bằng cả vaccine được tài trợ và vaccine do Nga hỗ trợ sản xuất trong nước.

Đến nay, Myanmar đã tiêm chủng cho khoảng 1,75 triệu người trong số 54 triệu dân. Đầu tháng này, Myanmar đã nhận được 1 triệu liều vaccine từ Ấn Độ. Tuần trước, Trung Quốc đã bàn giao cho Myanmar một lô vacine Sinopharm, số vaccine này sẽ được ưu tiên cho người dân sống ở vùng giáp biên giới Trung Quốc. Chính quyền Myanmar cũng đã đặt mua 4 triệu liều vaccine từ Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

Chương trình tiêm chủng thần tốc của quốc gia "hạnh phúc nhất thế giới"