Thứ Tư | 17/05/2017 12:26

Mỹ xem xét mở rộng lệnh cấm mang laptop lên máy bay

Những người đi máy bay từ châu Âu và các châu lục khác tới Mỹ có thể sẽ không được đem laptop lên khoang hành khách.

Nước Mỹ đang xem xét mở rộng lệnh cấm sử dụng máy tính xách tay trên cabin máy bay, không chỉ đối với các chuyến bay từ châu Âu mà còn từ những khu vực khác.

Các quan chức chống khủng bố của Mỹ đang hướng đến nhiều khu vực khác "không chỉ riêng châu Âu", theo lời David Lapan, phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, nói với các phóng viên tại Washington hôm thứ Ba. Ông Lapan từ chối nêu tên các khu vực đang được xem xét. Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng việc mở rộng vùng cấm là "có khả năng", Lapan nói.

Trước đó trong cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Mỹ dừng lệnh cấm mang laptop và các thiết bị điện tử khác lên cabin của các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ, nói rằng cả hai bên cần làm việc song song để kiểm soát mối đe dọa khủng bố.

Lời than phiền này được đưa ra 1 ngày trước khi các quan chức châu Âu và Mỹ gặp mặt tại Brussels để đánh giá việc ngăn hành khách mang laptop lên cabin máy bay. Hồi tháng 3 vừa rồi, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm mang các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động - bao gồm máy tính bảng, laptop và đầu đĩa DVD - trên các chuyến bay từ 10 sân bay ở Trung Đông và Bắc Phi.

Washington Post hôm thứ Hai đưa tin rằng Tổng thống Donald Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga và Đại sứ Nga về việc Mỹ đã nắm bắt tin tình báo từ một đối tác của nước này, về một âm mưu khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng laptop làm vũ khí trên máy bay.

‘Quyết định đơn phương’

Ủy viên Nội vụ EU Dimitris Avramopoulos đã cảnh báo về bất kỳ quyết định vội vã nào của các quan chức ở Washington.

Ông Dimitris nói với các phóng viên tại Strasbourg (Pháp): "Chúng tôi rất lo ngại. Chúng ta biết rằng các quyết định đơn phương không nên được đưa ra."

Hội đồng các sân bay Quốc tế (Airports Council International - ACI), vốn là một hiệp hội thương mại, cho biết một lệnh cấm như kể trên có thể ảnh hưởng 3.684 chuyến bay hàng tuần đến Mỹ từ 59 sân bay châu Âu.

Olivier Jankovec, Tổng giám đốc của ACI Europe, cho biết: "Chúng tôi lo ngại về hậu quả của một lệnh cấm như vậy đối với các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Việc một hãng hàng không vùng Vịnh từng bị ảnh hưởng hồi tháng 3 đã giảm các chuyến bay tới Mỹ là điều thực sự đáng lo ngại - và là một dấu hiệu cho thấy tác động kinh tế rộng lớn và kéo dài".

Theo ACI ước tính, có tới khoảng 90% hành khách mang theo thiết bị sẽ bị cấm mang lên cabin máy bay. Việc thực hiện kiểm tra sàng lọc đặc biệt và đưa các thiết bị vào khoang hành lý ký gửi sẽ gây ra nhiều chậm trễ đáng kể, thậm chí là hủy chuyến.

Các hãng hàng không của Mỹ đã kêu gọi giới quan chức nước này xem xét các biện pháp thay thế cho lệnh cấm, bao gồm việc sử dụng thêm các máy dò tìm nhỏ hoặc hệ thống phát hiện chất gây nổ. Các hãng hàng không lo lắng rằng lệnh cấm mang laptop có thể làm sụt giảm doanh thu từ các hành khách hạng doanh nhân.

Theo ông Lapan, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ "nhận thức rõ" về quan điểm của các hãng hàng không, sân bay, các quốc gia khác cũng như các bên liên quan còn lại. Ông cho biết: " Trách nhiệm chính của chúng tôi là phải cân nhắc đến sự an toàn của công chúng khi đi du lịch". Bộ trưởng Kelly sẽ không tham dự cuộc họp ở Brussels vào thứ Tư vì bận lịch trình khác, Lapan nói thêm.

Ủy ban Châu Âu (EC) đang điều phối phản ứng của khối EU xoay quanh vấn đề này. Cuộc họp giữa EU và Mỹ vào thứ Tư sẽ bao gồm một cuộc "trao đổi thông tin," Cao ủy viên An ninh châu Âu Julian King cho biết. Ông King cũng nói ông không biết liệu cuộc họp có đi đến kết luận nào không.

Một quan chức cao cấp giấu tên của EU có liên quan đến vấn đề này đã tiết lộ rằng, cho đến nay sự quan ngại của EC đã ngăn không cho Mỹ mở rộng lệnh cấm laptop sang châu Âu. Người này cũng cho rằng cuộc họp hôm thứ Tư sẽ là một phiên "marathon" khá dài.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg