Mỹ vượt Trung Quốc thành quốc gia hấp dẫn FDI nhất thế giới
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang mở rộng sản xuất tại Mỹ. Toyota tuần trước cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD để mở rộng các nhà máy sản xuất linh kiện ở Alabama, Missouri và Tennessee. Hãng sản xuất ôtô Nhật Bản nói rằng kế hoạch này nâng tổng đầu tư của Toyota tại Bắc Mỹ lên hơn 2 tỷ USD trong vòng hơn 2 năm qua.
Các công ty nước ngoài khác cũng đang mở rộng tại Mỹ thông qua các thương vụ mua lại. Tập đoàn Shuanghui International Holdings của Trung Quốc trong tháng 5 đã đồng ý mua lại nhà sản xuất thịt lợn Smithfield Foods của Mỹ với giá 4,7 tỷ USD. Cách đây vài tuần, công ty Apollo Tyres của Ấn Độ đã thông báo kế hoạch mua lại Cooper Tire & Rubber với giá khoảng 2,5 tỷ USD.
Niềm tin kinh tế Mỹ gia tăng cùng với sự gia tăng sản lượng dầu và gas. Điều này có thể khiến giá năng lượng thấp hơn và tạo nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm hoá dầu và sản phẩm khác. Mặc dù các công ty nước ngoài vẫn lo ngại thâm hụt ngân sách Mỹ và sự bế tắc của chính phủ, Mỹ vẫn được hưởng lợi khi một số công ty trước kia gia công tại châu Á nay bắt đầu đưa sản xuất hồi hương, theo Paul Laudicina, chủ tịch của A.T Kearney.
Ông Laudicina cho rằng về cơ bản một số nhà đầu tư đã khám phá ra tiềm năng đầu tư tại Mỹ và dù bị ảnh hưởng khủng hoảng nhưng kinh tế Mỹ vẫn tốt hơn so với châu Âu kể từ suy thoái toàn cầu năm 2008 và 2009.
Trong khi đó, sự hấp dẫn của Trung Quốc đã giảm đi do tiền lương tăng và dân số già đi nhanh chóng nhưng nước này vẫn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Brazil được hưởng lợi từ các khoản đầu tư do vào năm tới nước này đăng cai tổ chức World Cup và Olympics vào năm 2016.
A.T Kearney tiến hành khảo sát hàng năm từ 1998. Trong 5 năm đầu tiên Mỹ luôn dẫn đầu và từ năm 2002 đến 2012, vị trí này thuộc về Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát năm ngoái, Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ 4.
Cuộc khảo sát của Kearney bao gồm những kỳ vọng về các khoản đầu tư tương lai, không bao gồm chi tiêu hiện tại và được đo lường bởi Hội nghị Liên hợp Quốc về Thương mại và Phát Triển (UNCTAD).
Trong một báo cáo sơ bộ phát hành hồi tháng 1, UNCTAD ước tính Trung Quốc bao gồm Hong Kong thu hút khoảng 192 tỷ USD vốn FDI, tương đương 15% tổng FDI toàn cầu và đứng vị trí thứ 1 vào năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ thu hút khoảng 147 tỷ USD.