Ảnh: Nikkei
Mỹ vượt Trung Quốc thành nhà đầu tư lớn nhất của Úc
Trung Quốc nhà đầu tư nước ngoài số 1 của Úc trong 4 năm liên tiếp, đã giảm đầu tư vào xứ Chuột túi trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm ngoái. Giới phân tích cho hay đây là biểu hiện của một mối quan hệ bấp bênh giữa 2 quốc gia.
Theo báo cáo của Ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài của Úc (FIRB), Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn đầu tư hàng đầu về giá trị và dựa trên các đơn cấp phép được phê duyệt.
Ủy ban cho biết các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đóng một vai trò lớn, cũng như sự giám sát chặt chẽ hơn của Úc đối với đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai của Úc trong năm tài khóa 2017, giá trị đầu tư trong năm giảm 39% xuống còn khoảng 23,7 tỉ đô la Úc (16,8 tỉ USD). Đầu tư bất động sản, chiếm 53% tổng số, đã giảm 17% xuống còn 12,6 tỉ đô la Úc.
Đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực sản xuất, điện và khí đốt đã giảm 79% xuống còn khoảng 1,5 tỉ đô la Úc. Đầu tư của Trung Quốc trong tất cả sáu lĩnh vực có thống kê đều giảm.
Trong khi đó, Mỹ đã đầu tư 36,5 tỉ đô la Úc vào xứ Kangaroo trong năm tài khóa 2017, tăng 38% so với một năm trước đó, trở thành nhà đầu tư lớn nhất lần đầu tiên sau 5 năm. Sự trở lại của Mỹ thể hiện bởi sự gia tăng 58% trong đầu tư lĩnh vực dịch vụ.
Báo cáo FIRB nhận thấy rằng đầu tư của Trung Quốc đang có xu hướng giảm không chỉ ở Úc mà còn ở những nơi khác. Điều đó cũng chỉ ra rằng chính phủ Úc khi bắt đầu tài khóa năm 2017 đã bắt đầu kiểm tra chặt chẽ các rủi ro an ninh liên quan đến đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, như vô tuyến viễn thông, năng lượng điện và hải cảng. Báo cáo chỉ ra rằng chính sách này có thể đã ảnh hưởng đến việc chấp nhận đầu tư nước ngoài.
Úc đã sẵn sàng đón nhận đầu tư nước ngoài nhưng ngày càng thận trọng hơn với Trung Quốc. Năm 2016 Chính phủ Úc đã từ chối các đề xuất của các công ty Trung Quốc và Hồng Kông trong thương vụ mua lại công ty Ausgrid, nhà phân phối điện thuộc sở hữu nhà nước của Sydney nói rằng việc bán nhũng công ty tiện ích cho các công ty này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, một số người Úc đổ lỗi cho giá bất động sản tăng mạnh ở các khu vực trung tâm của các thành phố lớn xuất phát từ người mua từ ngoài nước. Đối phó với tình hình này, chính phủ Úc năm 2017 đã bắt đầu siết chặt hơn các qui định bán bất động sản. Cụ thể, theo luật pháp Úc, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua các bất động sản đã xây dựng mà chỉ được mua nhà trong các dự án bất động sản mới xây nhằm giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở.
Bên cạnh đó, chính phủ Úc áp thuế đối với các chủ sở hữu nước ngoài của những ngôi nhà vẫn trống trong 6 tháng hoặc lâu hơn, siết chặt hình phạt đối với việc sở hữu bất động sản trái qui định đồng thời cảnh báo những cá nhân, công ty mua nhà bất hợp pháp sẽ bị phạt đến 3 năm tù và bị phạt tiền từ 127.000 đến hơn 630.000 đôla Úc.
Nguồn Nikkei Asian Review