Mỹ và Trung Quốc bắt tay trừng phạt Triều Tiên
Các biện pháp mới còn nhắm mục tiêu vào các hoạt động bị cho là "bất hợp pháp" của các nhà ngoại giao Triều Tiên, cũng như các mối quan hệ của ngân hàng nước này. Đây cũng là lần đầu tiên các biện pháp này được áp đặt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006.
Các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc hy vọng vòng trừng phạt mới sẽ khiến Triều Tiên gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chuyển tiền và thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến hoạt động hạt nhân và tên lửa. Các quốc gia cũng sẽ có nghĩa vụ phải đóng băng các giao dịch tài chính liên quan tới các chương trình cấm của Triều Tiên.
Do bị áp đặt lệnh cấm giao dịch tài chính, nhiều nhà ngoại giao Triều Tiên đã lợi dụng các chuyến công tác ở nước ngoài để chuyển tiền về nước, do đó các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ ngăn chặn điều này, các nhà ngoại giao cho hay.
Ngoài ra, 2 công ty Triều Tiên cùng 3 công ty buôn bán vũ khí cũng sẽ bị liệt vào danh sách trừng phạt, các nhà ngoại giao cho biết.
Nhận định về các lệnh trừng phạt mới, các nhà ngoại giao cho biết mục đích các biện pháp trừng phạt là để thúc ép Bình Nhưỡng "thay đổi thái độ và nhận ra một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa là vì lợi ích của Triều Tiên, cũng như của nền hòa bình và an ninh quốc tế".
Đại sứ Mỹ Susan Rice cho biết bà hy vọng 15 thành viên Hội đồng Bảo An sẽ sớm nhất trí áp dụng các lệnh trừng phạt vào ngày 10/5 sắp tới.
Bà Rice cũng cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được đề xuất sau 3 tuần đàm phán chuyên sâu. Trước đó, Bắc Kinh cũng ủng hộ 3 vòng trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp dụng với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa tháng 12 năm ngoài và vụ thử hạt nhân lần 3 hồi tháng 2 năm nay.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin cũng cho biết Matxcơva sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới, trong khi tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thì cho biết đây là việc làm cần thiết mà mong muốn nó sẽ sớm được thực hiện.
Nguồn WSJ/Dân Việt