Thứ Hai | 04/02/2013 20:39

Mỹ và tham vọng huấn luyện quân đội các nước

Là siêu cường số 1 thế giới, Mỹ luôn tìm cách gây ảnh hưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có trợ giúp quân sự.
Mỹ không chỉ có ngân sách quốc phòng lớn nhất toàn cầu hiện nay mà còn là quốc gia sốt sắng nhất trong việc cung cấp viện trợ quân sự dưới nhiều hình thức cho các nước khác.

Huấn luyện diện rộng

Theo ông John Norris, Giám đốc Chương trình An ninh Bền vững thuộc Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ (CAP) có trụ sở tại Washington, trong năm 2012, Mỹ cung cấp trợ giúp an ninh, quân sự song phương cho tận 134 quốc gia. Nghĩa là mỗi nước trên địa cầu này, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, có tới 70% cơ hội nhận được viện trợ của Mỹ. Vấn đề thành ra không phải là ai nhận được sự giúp đỡ về mặt quân sự của Mỹ, mà là ai không nhận được.

Ngân sách cho các khoản trợ giúp này không hề nhỏ. Vẫn theo ông Norris, chính quyền Mỹ yêu cầu một lượng tiền là 9,8 tỷ USD cho viện trợ an ninh trong năm tài khóa 2013.

Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ, ông Norris cho biết kể từ năm 1985, Mỹ đã cung cấp học bổng cho 156 sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội Mali theo học tại các trường quân sự của Mỹ nhằm chuyên nghiệp hóa quân đội nước này. Trong 3 năm trở lại đây, ngân sách cho việc này đã lên tới ít nhất là 400.000 USD mỗi năm, và có khả năng các cơ quan tình báo Mỹ cũng tham gia dồn tiền trợ giúp đất nước Tây Phi này về mặt an ninh.

Lính Lebanon trang bị tiểu liên M-16 do Mỹ sản xuất trong 1 lễ diễu binh ở Beirut vào tháng 11/2009 (ảnh: AP)
Lính Lebanon trang bị tiểu liên M-16 do Mỹ sản xuất trong 1 lễ diễu binh ở Beirut vào tháng 11/2009
(ảnh: AP)

Tờ Thời báo New York ngày 24/1 thì cho hay Mỹ đã nhiều năm nay hợp tác chặt chẽ với quân đội Mali như một phần trong chương trình chống khủng bố với chi phí trên 500 triệu USD nhằm trang bị và huấn luyện quân đội các nước ở vùng Sahara chống lại các chiến binh. Theo tờ báo này, Mỹ từng mong muốn quân đội Mali sẽ trở thành 1 hình mẫu cho cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở châu Phi.

Viện trợ quân sự của Mỹ đa phần được thực hiện thông qua các chương trình như Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài; Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế; Chống Phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, Chống Khủng bố, Rà phá Bom mìn, và các Chương trình liên quan; Kiểm soát Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế; Các Chiến dịch Gìn giữ Hòa bình; và Quỹ về Năng lực Chống nổi loạn ở Pakistan. Thường thì Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giám sát các chương trình này còn Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trực tiếp thực hiện công việc cung cấp “hàng” và huấn luyện quân sự.

Quốc hội Mỹ thường dễ dàng thông qua các khoản chi nói trên vì quân đội Mỹ thường đưa ra các lý do ‘dễ hiểu’ như giúp huấn luyện các lực lượng an ninh, tài trợ việc mua thiết bị quân sự, củng cố năng lực thực thi pháp luật nhằm chống buôn bán ma túy bất hợp pháp, và thiết lập mối hợp tác chống phổ biến vũ khí… Nhưng trên tất cả, Norris viết, Lầu Năm Góc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với các quân đội bạn bè phòng khi có việc khẩn. Những người ủng hộ việc viện trợ này còn lập luận rằng, chính nhờ mối quan hệ gần gũi đặc biệt giữa Lầu Năm Góc và Cairo mà hồi xảy ra “Mùa Xuân Arab”, quân đội Ai Cập đã kiềm chế để không nhả đạn vào những người biểu tình.

Hiệu quả khiêm tốn, lợi bất cập hại

Tham vọng thì lớn như vậy nhưng không phải lúc nào đầu tư của Mỹ cũng đem lại hiệu quả. Đơn cử là trường hợp của Mali. Được người Mỹ viện trợ và huấn luyện nhưng quân đội của Mali rất nhỏ bé, thiếu vũ khí, kém tinh nhuệ và bạc nhược về ý chí. Thực tế họ đã không thể trụ vững trước các cuộc tiến công của phong trào “dân tộc giải phóng” Tuareg (đòi độc lập hoặc tự trị cao) và của các nhóm phiến quân Hồi giáo các loại ở miền Bắc Mali.

Thị trưởng thành phố Diabaly - từng bị phiến quân chiếm, chia sẻ với Thời báo New York: Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của người Pháp thì phiến quân Hồi giáo “vẫn sẽ còn ở đây” và có thể đã đánh thẳng đến thủ đô Bamako.

Một người dân khác của Diabaly, từng phải lẩn trốn phiến quân Hồi giáo, thì cho biết: “Chúng tôi tưởng quân đội sẽ bảo vệ chúng tôi. Ai dè họ lại bỏ chạy.”

Trong trận Diabaly, khi giáp mặt với phiến quân Hồi giáo được vũ trang mạnh, nhiều binh sĩ Mali đã nhanh chóng thoái lui, vứt bỏ quân phục và lẩn vào dân chúng.

Thời báo New York dẫn lời 1 quan chức cấp cao của quân đội Mali cho biết, thậm chí từ trước đó đã có tới 1.600 quân nhân Mali, bao gồm cả chỉ huy của 1 số đơn vị thiện chiến do Mỹ đào tạo, đào tẩu sang phe nổi dậy.

Mặc dù hiện nay miền Bắc Mali đã được giải phóng, dư luận thế giới vẫn lo lắng liệu quân đội Mali có giữ vững được các địa bàn vừa giành lại được từ tay phiến quân hay không. Tàn quân Hồi giáo cực đoan hiện có thể đã trà trộn vào dân thường hoặc lui về các vùng núi hẻo lánh và vùng sa mạc ẩn náu, chờ đợi quân Pháp rút khỏi Mali.

Không chỉ chiến đấu ‘èo uột’, hồi tháng 3/2012, quân đội Mali còn làm phật lòng các ‘quan thầy’ Mỹ khi bất ngờ tiến hành đảo chính lật đổ tổng thống dân cử của nước này. Theo Bưu điện Washington, Đại úy Sanogo - người lãnh đạo cuộc đảo chính này - từng sang Mỹ vài lần để tiếp nhận đào tạo quân sự theo lối chuyên nghiệp trong khuôn khổ chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

Phát ngôn viên của Vụ châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Hilary F. Renner, khi ấy đã lên tiếng phản đối: “Hành động của các binh sĩ nổi loạn đi ngược lại những gì được dạy tại các trường quân sự Mỹ, mà ở đó các học viên được tiếp xúc với các khái niệm của Mỹ về vai trò của quân đội trong 1 xã hội tự do.”

Ngoài ra, theo BBC, trong thời gian vài tuần gần đây, các nhóm nhân quyền còn tố cáo binh sĩ Mali đã thảm sát người Arab và người thiểu số Tuareg khi họ tiến quân lên phía bắc.
Tướng Mỹ Carter Ham tại 1 hội thảo về khủng bố ở Algeria (ảnh: AP)

Trước thực trạng này trong quân đội Mali, tướng Carter Ham, tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ, mới đây đã phải tuyên bố thừa nhận quân đội Mỹ đã không chú trọng đúng mức đến khía cạnh ‘đạo đức quân sự’ và ý thức pháp quyền khi huấn luyện binh sĩ Mali. Phát biểu trước 1 diễn đàn ở Đại học Howard (Mỹ), ông này cho biết phía Mỹ mới chỉ tập trung vào đào tạo mảng chiến thuật và kỹ thuật.

Nguyên nhân kém hiệu quả

Điều dễ thấy đầu tiên là Mỹ đầu tư quân sự cho các nước theo kiểu rải mành mành như trên thì khó mà mang lại hiệu quả tập trung.

Ông Norris, Giám đốc Chương trình An ninh Bền vững của CAP, cho biết thêm, viện trợ của Mỹ chỉ trông “ngon” trên lý thuyết thôi vì nó thường được thực hiện tương đối tự động mà không cần thảo luận thấu đáo về nội dung thực chất của nó. Norris cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ thường chỉ “gật” thông qua và hiện nay đang thiếu cán bộ có đủ trình độ chuyên môn để có thể phản biện với Lầu Năm Góc về những đối tượng xứng đáng nhận viện trợ và lý do vì sao.

Gordon Adams thuộc Trung tâm Stimson (1 tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận về an ninh toàn cầu) đặt tại Washington cũng lập luận rằng, “cần phải nghiêm túc tăng cường năng lực nội tại của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc lên kế hoạch, dự trù ngân sách và quản lý các chương trình viện trợ này”.

Theo ông Norris, còn có 1 lý do nữa, đó là phía Mỹ ngại đề cập đến các vấn đề ‘tế nhị’ như tham nhũng hay pháp trị. Hiện nay về lý thuyết, Mỹ có thể viện trợ quân sự cho bất cứ ai ở nước ngoài miễn là không vi phạm luật Leahy – luật này (của Mỹ) cấm cung cấp trợ giúp quân sự cho các đơn vị quân sự vi phạm nhân quyền mà không bị trừng phạt.

Đã vậy, điều khoản trên lại có nhiều sơ hở để người ta lách. Tác giả John Barry trong 1 chuyên luận về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy ở Nam Mỹ, đã chỉ ra rằng các đơn vị quân đội ở 1 nước Nam Mỹ đã thuyên chuyển những sĩ quan lạm dụng nhân quyền sang các đơn vị khác để có thể nhận viện trợ của Hoa Kỳ…

Nguồn VOV


Sự kiện