Mỹ và Tây Ban Nha tìm cách hỗ trợ ngân hàng yếu
Theo bà Santamaria, hai bên đã thảo luận về nhiều giải pháp khác nhau nhằm trợ giúp những ngân hàng này, trong đó có khả năng các ngân hàng có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ cứu trợ một cách trực tiếp mà không có sự can thiệp của chính phủ và không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào. Điều này không chỉ áp dụng cho các ngân hàng ở Tây Ban Nha, mà cả ở các ngân hàng ở những nước khác cần cứu trợ.
Gần đây, Tây Ban Nha đang chịu sức ép từ các đối tác châu Âu phải vực dậy những ngân hàng "ốm yếu" của nước này, thông qua việc cầu viện tăng vốn từ Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - bức tường lửa tài chính của khu vực, nhằm tránh đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng cho rằng, ESM cần cân nhắc việc trợ giúp trực tiếp các ngân hàng đang chịu tác động của khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thay vì cấp vốn thông qua các chính phủ, vốn đang phải "oằn mình" gánh những khoản nợ khổng lồ.
Tuy nhiên, Đức và các nước bảo thủ khác tại châu Âu đều cho rằng chính phủ cũng phải có trách nhiệm với khoản vay từ ESM.
Cùng ngày, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Santamaria, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định hiện IMF vẫn chưa có kế hoạch trợ giúp tài chính nào cho Tây Ban Nha và cũng chưa nhận được yêu cầu trợ giúp nào từ nước này.
Nguồn Vietnam+