Ngoại trưởng các nước thuộc G7 họp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Karuizawa, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Mỹ và các đồng minh có thể cấm xuất khẩu hoàn toàn sang Nga
Theo Bloomberg, một số đồng minh chủ chốt của Ukraine bao gồm Mỹ đang xem xét tiến gần hơn tới lệnh cấm hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, lệnh cấm này nếu được thông qua sẽ tạo áp lực kinh tế đáng kể đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Nhóm G7 cũng đang thảo luận về ý tưởng này trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5, và muốn kêu gọi sự tham gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Cách tiếp cận đang được thảo luận sẽ đảo ngược cơ chế trừng phạt hiện tại: tất cả các loại hàng hóa sẽ bị cấm xuất khẩu, trừ khi nằm trong nhóm được miễn trừ, nguồn tin cho hay. Còn theo cơ chế hiện tại, tất cả các loại hàng hóa đều được phép xuất khẩu sang Nga, trừ khi nằm trong nhóm bị trừng phạt.
Nếu các nhà lãnh đạo G7 tán thành động thái này tại hội nghị thượng đỉnh, thì dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp nhiều khả năng sẽ được miễn trừ, nguồn tin cho hay. G7 gồm các nước thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc triển khai biện pháp trừng phạt mới này có thể đối mặt những rào cản lớn. Để được thực thi tại EU, các tiêu chí mới cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên, trong khi điều này có thể gây ra tranh cãi lớn do phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu hàng hóa sang Nga, cùng với đó là nguy cơ bị Moscow trả đũa.
Nếu lệnh cấm vận gần như tất cả các loại hàng hóa được thực thi, phần lớn dòng chảy thương mại còn lại từ các quốc gia này sang Nga sẽ chấm dứt.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt hiện có đã làm giảm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của EU và G7 sang Nga, với hạn chế được áp đặt lên nhiều mặt hàng từ đồ điện tử cho tới hàng xa xỉ. Theo công ty cung cấp dữ liệu thương mại Trade Data Monitor, hiện tổng kim ngạch xuất khẩu từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản sang Nga còn khoảng 66 tỉ USD.
Các thành viên G7 lo ngại rằng đây là một lợi ích quá lớn đối với nền kinh tế thời chiến của ông Putin, đặc biệt là khi Moscow tìm mọi cách lách lệnh trừng phạt để đưa hàng hóa qua các nước thứ ba. Phản ứng với các biện pháp trừng phạt, Nga cũng đã đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu và định kỳ cắt giảm nguồn cung năng lượng sang châu Âu. EU là khối chịu ảnh hưởng lớn khi Nga hạn chế xuất khẩu các loại hàng hóa như đồng. Bên cạnh đó, một lệnh cấm xuất khẩu với hầu hết các loại hàng hóa của phương Tây sang Nga có thể đẩy Moscow đến gần với Trung Quốc hơn nữa nhằm tìm các lựa chọn thay thế cho những hàng hóa bị cấm vận.
Moscow đã ngừng công bố số liệu nhập khẩu nhưng một số tổ chức theo dõi quốc tế và các chính phủ vẫn vẫn theo dõi hoạt động xuất khẩu sang Nga.
Dữ liệu từ Trade Data Monitor cho thấy Đức, Italy và Ba Lan hiện vẫn là 3 nước châu Âu xuất khẩu hàng hóa sang Nga nhiều nhất. Đối với các nước G7, các mặt hàng không thuộc nhóm dược phẩm và sản phẩm nông nghiệp có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất là ô tô, sô cô la, bia, giày dép, hoa và mỹ phẩm.
Ngay cả với các biện pháp cấm vận hiện hành, Nga vẫn có thể nhập khẩu một số mặt hàng của Mỹ và châu Âu thông qua các quốc gia thứ ba. Điều này khiến G7 và EU muốn mạnh tay hơn để giải quyết hành vi lách trừng phạt, đặc biệt là tăng cường giám sát đối với các loại hàng hóa được cho là có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Đầu tháng này, Mỹ đã trừng phạt hàng chục thực thể ở 20 quốc gia với cáo buộc hỗ trợ Moscow lách trừng phạt.
Đồng thời, một số quốc gia châu Âu vẫn tìm đến Moscow để mua các mặt hàng bao gồm paladi, đồng, sắt và niken.
Nỗ lực gây áp lực hơn nữa với nền kinh tế Nga có thể sẽ là chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Tại đây, các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến đi đến thống nhất về việc cải thiện cơ chế theo dõi và truy tìm kim cương Nga xuyên biên giới, từ đó mở đường cho các biện pháp hạn chế thương mại.
Có thể bạn quan tâm:
CEO Google nhận lương thưởng cao gấp 800 lần nhân viên
Nguồn Bloomberg