Thứ Hai | 10/12/2012 17:42

Mỹ và Anh lên kế hoạch đối phó các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ"

Theo kế hoạch này, các nhà quản lý sẽ được trao quyền lực kiểm soát các tổ chức tài chính lớn và đóng cửa nếu cần thiết để ngăn ngừa thiệt hại.
Các nhà quản lý Anh và Mỹ hôm nay 10/12 sẽ công bố kế hoạch xuyên biên giới nhằm đối phó với nguy cơ phá sản của các ngân hàng toàn cầu, tờ Financial Times cho biết.

Theo kế hoạch này, các nhà quản lý 2 nước đề xuất được trao nhiều quyền lực hơn để kiểm soát các tổ chức tài chính lớn tại hai bờ Đại Tây Dương, thậm chí có thể đóng cửa chúng nếu cần thiết để ngăn ngừa thiệt hại lớn cho người đóng thuế. Ngoài ra, kế hoạch cũng buộc các cổ đông và chủ nợ tại hai bờ Đại Tây Dương chấp nhận chịu tổn thất, đồng thời đảm bảo trụ sở các ngân hàng phải có đủ vốn để bảo vệ người nộp thuế.

Cụ thể, các nhà hoạch định chiến lược cho rằng các ngân hàng nên loại bỏ tất cả các cổ đông, trong khi đó các chủ sở hữu trái phiếu không đảm bảo về tài chính cũng không được phép đưa ra các yêu sách có khả năng gây thiệt hại lớn cho các cổ đông. Các nhà phân tích nhận định đây thực sự là một bước tiến lớn so với cuộc khủng hoảng năm 2008 - thời điểm chính phủ Mỹ và Anh phải rất vất vả để chống đỡ cho các ngân hàng quốc tế của mình.

Ngoài ra, kế hoạch mới cũng sẽ loại bỏ hệ thống quản lý cấp cao, trong khi vẫn duy trì các chức năng kinh doanh quan trọng. Bên cạnh đó, các ngân hàng con và chi nhánh được đánh giá là khỏe mạnh, cả nội địa và nước ngoài, sẽ tiếp tục được phép duy trì hoạt động và hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế lớn, các nhà quản lý cho biết.

Kế hoạch mới cũng cho phép các nhà quản lý can thiệp ở cấp độ các công ty chủ quản ngân hàng. Bằng cách giải quyết vấn đề ở cấp độ công ty chủ quản ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ tránh các vụ tố tụng về mất khả năng thanh toán như trường hợp phá sản của Lehman Brothers trong năm 2008.

Phát biểu trên tờ Financial Times, chủ tịch Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi quốc tế, ông Martin Gruenberg, và phó thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Paul Tucker, cho biết kế hoạch này là bước cụ thể đầu tiên nhằm giải quyết triệt để nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng quốc tế lớn trên thế giới.

Ông Tucker cho biết, với những nỗ lực nhằm đưa ra kế hoạch giải quyết khẩn cấp, kế hoạch mà Anh và Mỹ nhất trí áp dụng cho 12 ngân hàng quốc tế lớn nhất tại hai nước cũng sẽ được áp dụng cho 16 ngân hàng quốc tế có vai trò quan trọng trong hệ thống toàn cầu (hay còn gọi là G-Sifis) ở những quốc gia khác.

Các nhà quản lý Mỹ cho biết sẽ cân nhắc xem xét buộc các ngân hàng lớn nhất phải nâng mức nợ nắm giữ theo đúng quy định, trong khi các nhà chức trách Anh thì yêu cầu các ngân hàng lớn nhất phải lựa chọn giữa chuyển dịch cơ cấu nợ hoặc phải đưa ra các quy định áp đặt về mức độ thiệt hại trên nợ do các công ty chủ quản hàng đầu nắm giữ.

Phát biểu về kế hoạch này, ông Tucker và Gruenberg cho biết: "Chúng tôi tin rằng, đối với các tổ chức tài chính thuộc GSifis, chiến lược này sẽ giúp duy trì khả năng tốt nhất của các tổ chức trong việc bảo vệ sự ổn định, trong khi loại bỏ dần việc hỗ trợ những người nộp thuế. Chiến lược này cũng buộc các cổ đông, các chủ nợ và các nhà quản lý trong GSifis phải có trách nhiệm lớn hơn đối với các thiệt hại của tổ chức".

Chính phủ các nước khác trên thế giới cũng đang tích cực triển khai kế hoạch này đối với hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, Ủy ban ổn định tài chính (FSB) cho biết thời hạn thực hiện sẽ được mở rộng sang năm tới do một số hạng mục hiện vẫn chưa hoàn thiện và cần được các nhà quản lý làm rõ.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện