Những người phản đối ý tưởng nói rằng nó sẽ không mang lại sự cứu trợ mà những người đề xuất đang hy vọng. Ảnh: Deutsche Welle.

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 06/05/2021 09:40

Mỹ ủng hộ đề xuất từ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19

Chính quyền Biden ủng hộ nỗ lực từ bỏ các điều khoản sở hữu trí tuệ để tăng cường tiếp cận vaccine toàn cầu.

Theo CNN, chính quyền Biden sẽ ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc cấp bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 sau cuộc tranh luận nội bộ căng thẳng và sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ. Theo đó, nhiều khả năng nguồn cung vaccine toàn cầu sẽ được mở rộng, khoảng cách tiêm chủng giữa các nước giàu và các quốc gia nghèo cũng sẽ dần thu hẹp.

“Những thời điểm và hoàn cảnh bất thường này đòi hỏi phải có những biện pháp phi thường”, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố hôm 5.5.

Tuy nhiên, động thái này chỉ là sơ bộ và sẽ không đảm bảo các quy tắc cấp bằng sáng chế toàn cầu được dỡ bỏ ngay lập tức. Dù vậy, tín hiệu hỗ trợ của chính quyền Biden chỉ đóng vai trò là một bước tiến quan trọng trong cơn khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

 

Tổng thống Joe Biden và bà Katherine Tai đã cân nhắc vấn đề này sau những lời kêu gọi từ các nhóm vận động toàn cầu và những người tiến bộ ủng hộ việc miễn trừ các quy tắc tại Tổ chức Thương mại Thế giới do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất. Tuy nhiên, nỗ lực từ bỏ những hạn chế đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các công ty dược phẩm.

Cổ phiếu của các công ty dược phẩm lớn đã giảm mạnh sau thông báo của bà Katherine Tai. Trong đó, giá cổ phiếu Pfizer, Moderna, BioNtech và Novavax lần lượt giảm xuống mức thấp nhất trong phiên giao dịch hôm 5.5.

Trước những câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ đối với đề xuất này khi Ấn Độ và Nam Mỹ phải đối mặt với tỉ lệ nhiễm trùng đáng báo động, các quan chức Nhà Trắng đã chỉ ra những nỗ lực khác để mở rộng sản xuất và phân phối vaccine toàn cầu. Và việc từ bỏ bằng sáng chế chỉ là một phần trong số những giải pháp được đề xuất.

Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Tổng thống Biden cho rằng: “Mọi người đang chết trên khắp thế giới và chúng ta phải đưa vaccine vào vòng tay của họ theo cách nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể”.

Các quan chức khác cũng chỉ ra những nỗ lực khác để mở rộng quy mô phân phối và giúp sản xuất vaccine ở các quốc gia khác, bao gồm cam kết chia sẻ tới 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và vận chuyển nguyên liệu để giúp Ấn Độ tăng cường sản xuất vaccine Covishield của riêng họ.

Moderna - một trong 3 nhà sản xuất thuốc có sẵn vaccine ở Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ 500 triệu liều vaccine cho Covax, nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy nguồn cung vaccine toàn cầu. Thông qua thỏa thuận, công ty sẽ cung cấp 34 triệu liều đầu tiên vào cuối năm và phần còn lại cho đến năm 2022.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi quyết định ủng hộ đề xuất miễn trừ của chính quyền Biden là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19.

 

"Bước đi táo bạo và nước đi đúng đắn. Việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ IP đối với vaccine COVID-19 sẽ đảm bảo chúng tôi đưa vaccine ra thế giới sớm hơn, ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai và các biến thể mới trước khi chúng gia tăng", Giám đốc USAID Samantha Power cho biết. 

Đề xuất của chính quyền Biden còn vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia có nền công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học hùng mạnh. Họ cho rằng việc từ bỏ như vậy sẽ không mang lại sự cứu trợ mà mọi người hy vọng. Bởi lẽ, sản xuất vaccine là một quy trình phức tạp không thể được đẩy mạnh đơn giản bằng cách nâng cao các biện pháp bảo vệ. Điều này có thể tác động đến sự đổi mới trong tương lai.

Một trong số những người phản đối việc miễn trừ là tỉ phú Bill Gates. Ông là người bảo vệ trung thành các điều khoản về sở hữu trí tuệ mà Quỹ Bill và Melinda Gates đã tài trợ cho Liên minh vaccine Gavi - một sáng kiến ​​y tế toàn cầu thúc đẩy Covax.

Có thể bạn quan tâm:

Bất bình đẳng về vaccine khiến tất cả các quốc gia đều thua cuộc