Thứ Sáu | 31/08/2012 20:05

Mỹ, Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương

Trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng, quần đảo Cook nhỏ bé ở nam Thái Bình Dương bỗng trở thành giá trị mới đối với Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh điều này khi tuyên bố bà sẽ tham dự Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) vào ngày 31/8 tổ chức tại một hòn đảo của quần đảo Cook, nơi mà những người tiền nhiệm của bà Clinton chưa bao giờ đặt chân đến.

Hòn đảo Cook nhỏ bé sẽ đón phái đoàn 57 nước tham dự PIF. Phái đoàn Trung Quốc cũng tham dự và do thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải dẫn đầu.

Việc bà Clinton đến thăm quần đảo Cook - gồm 15 đảo san hô và các đảo nhỏ, với dân số chỉ hơn 11.000 sinh sống trên vùng diện tích đất 93 dặm vuông - là dấu hiệu cho thấy chính quyền Barack Obama không chỉ đang tăng cường quan hệ với các láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao, viện trợ phát triển và hỗ trợ quân sự tới khu vực nam Thái Bình Dương xa xôi.

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Australia Annmaree O'Keeffe cho rằng chuyến thăm của bà Clinton đến quần đảo Cook là một phần trong chính sách ngoại giao rộng lớn của Mỹ, rằng Mỹ sẽ giương cờ ngay cả tại vùng hẻo lánh nhất của Thái Bình Dương.

"Khi bạn tham dự một hội nghị thượng đỉnh mà tất cả những nhân vật quan trọng đều hiện diện, thì sự kiện sẽ là cơ hội quan trọng để xây dựng lại tầm ảnh hưởng trong khu vực", nhà ngoại giao Annmaree O'Keeffe cho biết.

Quần đảo Cook là nhân tố mới trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và Trung Quốc.
Quần đảo Cook là nhân tố mới trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã có căn cứ tại các vùng trên Thái Bình Dương như đảo Guam, Bắc Marianas, Hawaii và Samoa thuộc Mỹ, cùng các mối liên kết chặt chẽ với Palau, Micronesia, quần đảo Marshall. Tuy nhiên, ngoại trừ Samoa thuộc Mỹ, thì tất cả những địa điểm trên đều nằm ở trung hoặc bắc Thái Bình Dương, khiến bộ phận nam Thái Bình Dương để trống trong tầm nhìn của Washington những năm gần đây.

Tại phiên điều trần ở uỷ ban đối ngoại thượng viện năm nay, bà Clinton lưu ý Trung Quốc "đã mời tất cả lãnh đạo của nam Thái Bình Dương tới Bắc Kinh, uống rượu vang và dự dạ tiệc với họ. Hãy gác lại các chủ đề như luân lý, nhân đạo, điều đúng đắn mà chúng ta tin vào, mà hãy bàn về chính sách thực dụng. Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc".

Trung Quốc không tiết lộ khoản chi viện trợ cho nước ngoài, nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc đã tài trợ hoặc cho các quốc đảo Thái Bình Dương vay khoảng vài trăm triệu USD hàng năm (so với đó, cam kết lớn nhất của Mỹ tại khu vực này đến nay chỉ là một chương trình môi trường trị giá 20 triệu USD công bố gần đây). Nguồn kinh phí này thường đầu tư vào những dự án lớn như sân vận động thể thao, loại công trình mà chính phủ các nước nghèo phải trăn trở tìm cách duy trì trong những năm về sau.

Điều này khiến chính quyền Australia giận dữ bởi nước này là nhà tài trợ lớn nhất cho khu vực Nam Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Australia Bob Carr khi trả lời phỏng vấn báo chí trong tuần này nói rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang đầu tư vào các dự án mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia tiếp nhận hơn là "xây dựng một cảng Trung Quốc, kết nối đến một tuyến đường và dẫn đến một mỏ của nước này".

Một nhà ngoại giao giấu tên khẳng định Trung Quốc càng phát triển thì "không khó để hiểu vì sao họ muốn trở thành một quốc gia mạnh về quân sự". Chính vì mối quan tâm như vậy nên New Zealand đã tích cực vận động bà Clinton đến quần đảo Cook.

57 nước tham dự Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương tại quần đảo Cook.
57 nước tham dự Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương tại quần đảo Cook.

Thông báo của Mỹ về việc sẽ tham dự cuộc họp ở quần đảo Cook nhanh chóng bị Trung Quốc để ý. Nhật báo Trung Quốc viết chuyến thăm này "dấy lên quan ngại" về một cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa các cường quốc trong khu vực. Mặc dù chính quyền Obama luôn khẳng định Mỹ không mong muốn một cuộc đối đầu với Trung Quốc, trên thực tế thì Mỹ đã tăng cường lực lượng quân sự tại Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác an ninh với Philippines.

Đồng hành trong chuyến đi của bà Clinton đến quần đảo Cook là chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Cecil Haney, để chứng tỏ sự quan tâm của Mỹ tới tiềm năng quân sự tại khu vực này.

Tháng trước, đô đốc Haney và trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell đã công du một số đảo quốc ở Thái Bình Dương và cam kết với một số chính phủ rằng sẽ giúp đỡ họ xây dựng quân đội.

Tại Tonga ở trung Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đã đầu tư lượng tiền lớn để mở rộng cảng, đô đốc Haney và ông Campbell cũng cam kết hỗ trợ hải quân Tonga nâng cấp để chống lại nạn đánh bắt trái phép và tuần tra các vùng biển của mình.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện