Thứ Hai | 07/07/2014 06:20

Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới

Theo Bank of America, Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia và Nga trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới khi hoạt động chiết xuất năng lượng từ đá phiến sét giúp củng cố nền kinh tế.
Khu mỏ dầu Kern River tại Bakersfield, California
Khu mỏ dầu Kern River tại Bakersfield, California

Trong báo cáo ra ngày 4/7, Bank of America nêu rõ năm nay, sản lượng dầu thô của Mỹ cùng với các loại chất lỏng, không kể khí đốt tự nhiên, đã vượt qua tất cả các nước với sản lượng hàng ngày vượt 11 triệu thùng trong quý I. Mỹ đã trở thành nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2010. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 6 cũng cho biết, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và khí gas hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Trong một báo cáo, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Bank of America, Francisco Blanch cho biết “Mỹ hiện là nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Cuộc cách mạng đá phiến sét của Mỹ đã giúp biến đổi nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Giá năng lượng ở mức thấp là lợi thế cạnh tranh của kinh tế Mỹ”.

Chiết xuất dầu mỏ đang tăng tại các cơ sở đá phiến sét tại Texas và North Dakota khi các công ty tách đá bằng dung dịch áp suất cao, một quá trình được gọi là nứt vỉa thủy lực. Sự gia tăng nguồn cung cùng với sự hạn chế xuất khẩu dầu thô đang giúp kiềm chế giá dầu WTI, mức giá tham chiếu của Mỹ. Theo số liệu của Bộ Năng lượng, trong tháng 4, Mỹ, nước tiêu dùng dầu mỏ lớn nhất thế giới, vẫn nhập khẩu trung bình 7,5 triệu thùng dầu/ngày.

OPEC bất ổn

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng lên 13,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019 và ổn định thời gian sau đó. Viễn cảnh Năng lượng Thế giới cũng IEA cũng đưa ra dự đoán Mỹ sẽ mất vị trí số 1 vào đầu những năm 2030.

Tăng trưởng sản lượng dầu bên ngoài nước Mỹ thấp hơn dự đoán của Bank of America, khiến giá dầu thế giới ở mức cao, ông Blanch cho biết. Giá dầu WTI trên sàn New York vẫn thấp hơn 7 USD so với giá dầu Brent trên sàn ICE. Giá dầu WTI đạt 103,93 USD thùng lúc 10h44 sáng giờ London ngày 4/7.

Nguồn cung dầu của Mỹ tăng trong bối cảnh bạo lực leo thang đe dọa sản lượng tại Iraq, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 trong khối OPEC. Việc liên tiếp chiếm được các thị trấn phía bắc của lực lượng nổi dậy tại Iraq đã làm tăng mối lo ngại rằng nguồn cung dầu từ phía nam Iraq sẽ bị ảnh hưởng. Xuất khẩu dầu mỏ của Libya cũng bị ảnh hưởng do các cuộc biểu tình phản đối trong khi sản lượng của Nigeria cũng bị ảnh hưởng do nạn trộm cắp và hành động phá hoại.

North Dakota

Libya sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu dầu từ 2 cảng xuất khẩu tại phía đông nước này sau khi giành lại quyền kiểm soát từ quân nổi dậy, Mohamed Elharari, người phát ngôn của Công ty quốc doanh National Oil cho biết.

Julian Lee, chiến lược gia dầu mỏ chuyên viết tin bài cho Bloomberg News First World, cho biết, Mỹ sẽ củng cố vị trí nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong những tháng tới nếu nguồn cung từ Lybia sẽ giới hạn nhu cầu dầu từ Saudi.

Giàn khoan dầu tại Watford City, North Dakota
Một giàn khoan dầu tại Watford City, North Dakota

Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, quy trình nứt vỉa thủy lực được sử dụng tại các bang từ North Dakota đến Pennsylvania giúp nâng sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ lên mức cao mới trong từng năm suốt 7 năm qua. Đầu tư hàng năm vào dầu mỏ và khí đốt tại Mỹ đạt kỷ lục 200 tỷ USD, lần đầu tiên chiếm 20% tổng chi cho kết cấu cố định tư nhân của Mỹ, theo ông Blanch.

Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định cho phép xuất khẩu dầu siêu nhẹ còn được gọi là khí ngưng tụ (condensate), làm tăng đồn đoán rằng nước này sẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 4 thập kỷ đối với hầu hết các sản phẩm dầu mỏ.

Trong một diễn biến mới nhất, Pioneer Natural Resources Co. và Enterprise Products Partners LP sẽ được phép xuất khẩu khí ngưng tụ.

Theo báo cáo ra ngày 25/6 của Citigroup Inc., Mỹ có thể xuất khẩu 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, kể cả 300.000 thùng khí ngưng tụ vào cuối năm nay.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện