Tăng trưởng đầu tư và năng suất giúp Mỹ vượt xa các nền kinh tế phát triển khác. Ảnh: WSJ.

 
Lam Ngọc Chủ Nhật | 27/10/2024 09:33

Mỹ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu

Mỹ dẫn đầu nhóm các nền kinh tế phát triển nhờ dòng đầu tư mạnh mẽ, năng suất tăng cao và nguồn cung năng lượng ổn định.

Nền kinh tế Mỹ đang vượt trội so với các quốc gia phát triển khác, nhờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất và mức lương. Báo cáo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, Mỹ và kinh tế toàn cầu đều được điều chỉnh dự báo tăng trưởng tích cực, trong đó mức tăng trưởng của Mỹ nổi bật nhất.

IMF dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 2,5% vào quý IV năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nửa điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Năm 2023, sản lượng của Mỹ đã tăng 3,2%, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G7 các nền kinh tế lớn.

Sản lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,3% trong năm nay, chỉ nhỉnh hơn một chút so với ước tính trước đó. Nếu chỉ tập trung vào các quốc gia giàu có, Mỹ đang tạo ra khoảng cách lớn. Các nền kinh tế phát triển nói chung được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, sau khi tăng 1,7% vào năm ngoái.

Nguồn cung năng lượng nội địa dồi dào đã giúp các công ty Mỹ tránh được những cú sốc về giá và nguồn cung năng lượng. Ảnh: WSJ.
Nguồn cung năng lượng nội địa dồi dào đã giúp các công ty Mỹ tránh được những cú sốc về giá và nguồn cung năng lượng. Ảnh: WSJ.

IMF cũng dự báo năm 2025, Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9%, so với 1,7% của các nền kinh tế phát triển và 3,1% của thế giới. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai, được dự báo tăng 4,5% trong năm nay và 4,7% vào năm 2025, sau khi đạt 5,4% năm ngoái. Khu vực euro dự kiến tăng trưởng 1,2% trong năm 2023 và 1,3% vào năm 2024.

Theo IMF, triển vọng kinh tế Mỹ được củng cố nhờ đầu tư ngoài lĩnh vực nhà ở và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, thúc đẩy bởi mức lương thực tế tăng. Khi năng suất tăng, các doanh nghiệp có điều kiện trả lương cao hơn, cải thiện mức sống cho người lao động.

Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư đổ vào Mỹ, hỗ trợ bởi các gói kích thích năng lượng xanh và phát triển hạ tầng. Đồng thời, nguồn cung năng lượng nội địa dồi dào đã giúp các công ty Mỹ tránh được những cú sốc về giá và nguồn cung năng lượng.

Các nhà kinh tế cho biết, tất cả những yếu tố đó đã dẫn đến một làn sóng đầu tư vào Mỹ, giúp tăng năng suất, hoặc sản lượng trên mỗi giờ làm việc. Năng suất là yếu tố chính cho tăng trưởng dài hạn và mức sống cao hơn.

Ông Neil Shearing, Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định đầu tư gia tăng đang tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Mỹ và định hình dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. 

Theo IMF, tổng vốn cố định của Mỹ, một thước đo rộng về đầu tư, sẽ tăng 4,5% trong năm nay so với năm 2023, gấp hơn ba lần tốc độ tăng của các nền kinh tế phát triển. Từ năm 2016 đến 2025, IMF ước tính đầu tư của Mỹ sẽ tăng trung bình 3,3% mỗi năm, so với mức 2,3% của các quốc gia phát triển khác.

Trong khi đó, đầu tư của Đức dự kiến giảm 2,7% trong năm nay, sau khi đã giảm 1,2% năm ngoái. Đây là sự đảo ngược lớn so với thập kỷ trước, khi tốc độ tăng đầu tư trung bình của Mỹ chỉ đạt 1,2% mỗi năm, gần bằng mức trung bình của các nước phát triển.

Một trong những lý do chính cho sự khác biệt này là năng lượng. Trong những năm 2010, Mỹ đã ứng dụng công nghệ khai thác dầu đá phiến để tăng sản lượng nội địa, giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động từ các biến động năng lượng toàn cầu. Đến năm 2020, Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ.

Nguồn cung năng lượng dồi dào đã giúp Mỹ kiềm chế lạm phát giá cả sau xung đột Nga – Ukraine, trong khi các quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga, đặc biệt là châu Âu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng cao. Doanh nghiệp châu Âu hiện phải trả chi phí điện cao gấp 2-3 lần và khí đốt cao gấp 4-5 lần so với các doanh nghiệp Mỹ, theo báo cáo tháng 9 từ Ủy ban châu Âu.

Ông Shearing cho biết, việc độc lập về năng lượng và tăng trưởng năng suất có liên quan mật thiết với nhau. Số tiền mà các doanh nghiệp châu Âu chi cho năng lượng lẽ ra có thể được sử dụng để nâng cấp nhà máy và đầu tư vào phần mềm nhằm nâng cao hiệu quả.

Theo IMF, năng suất gia tăng của các doanh nghiệp Mỹ là yếu tố chủ chốt tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, không rõ liệu sự gia tăng này là do hiệu quả thực tế hay chỉ là tạm thời khi doanh nghiệp tăng giờ làm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Có thể bạn quan tâm:

Vốn hẹp cửa, startup Đông Nam Á chật vật tìm lối đi

Nguồn WSJ