Thứ Sáu | 04/01/2013 10:58

Mỹ thiệt hại tới 5 triệu việc làm vì nạn thao túng tiền tệ

Trong những năm qua, hoạt động thao túng tỷ giá hối đoái tại nhiều nước đã khiến Mỹ mất tới 5 triệu việc làm, Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết.
Trong báo báo xuất bản hồi tháng trước, 2 nhà kinh tế C. Fred Bergsten và Joseph E. Gagnon thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết hơn 20 quốc gia trên thế giới, từ Trung Quốc tới Đan Mạch, đã tăng dự trữ các loại tiền tệ như USD lên mức trung bình 1 nghìn tỷ USD trong năm qua.

Bằng cách mua ngoại tệ, các nước đã làm giảm giá trị đồng nội tệ và khiến sản phẩm của họ trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Việc làm đó đã tạo sức ép đối với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, đồng thời gây thâm hụt thương mại ở những nơi khác, gây ra tình trạng mất việc làm. Kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chơi này chính là Mỹ, quốc gia thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai dao động từ 200-500 tỷ USD mỗi năm. Ước tính mỗi năm nước Mỹ thiệt hại từ 1 tới 5 triệu việc làm vì tình trạng thao túng lãi suất này, các nhà kinh tế cho biết.

"Hơn một nửa số người thất nghiệp Mỹ là do hoạt động thao túng tiền tệ của chính phủ các nước trên thế giới", Bergsten và Gagnon viết.

22 quốc gia thao túng tiền tệ được Bergsten và Gagnon thống kê trong nghiên cứu chiếm tới 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu. Có thể kể đến như Trung Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Na Uy, Nga, Israel và Thụy Sĩ. Trong đó, Trung Quốc là nước can thiệp tiền tệ lớn nhất, với lượng tích lũy ngoại tệ lên tới 3,3 nghìn tỷ vào cuối năm 2011.

Khi tính đến các tác động của việc giá trị thương mại đồng USD giảm 10% trong tháng đầu tiên quý I/2013, các tính toán từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy nếu thâm hụt tài khoản vãng lai Mỹ giảm gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì GDP Mỹ sẽ tăng 1,5% trong 2 đến 3 năm, trong khi thị trường sẽ tạo thêm được gần 2 triệu việc làm mới.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện