Mỹ: Thâm hụt thương mại tháng 9 lên cao nhất 5 tháng
Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết, thâm hụt thương mại tháng 9 tăng 7,6% lên 43,03 tỷ USD từ mức 40 tỷ USD của tháng 8, chủ yếu do xuất khẩu giảm mạnh. Đây cũng là mức thâm hụt thương mại cao nhất kể từ tháng 5.
USD tăng giá mạnh trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp là 2 trở ngại chính đối với hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Theo đó, xuất khẩu tháng 9 giảm 1,5% xuống 195,59 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 4 do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, ôtô hay hàng hóa tiêu dùng giảm rõ rệt. Rõ ràng, kinh tế Mỹ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng tăng trưởng trì trệ của các nước lớn như Trung Quốc và khu vực đồng euro.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết, số đơn hàng mới đặt mua các sản phẩm sản xuất tại Mỹ giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 9. Đây là bằng chứng xác thực nhất cho thấy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Mỹ đang suy yếu, kéo giảm giá trị xuất khẩu.
Trái lại, nhập khẩu tháng 9 của Mỹ lại gần như không đổi với tổng giá trị đạt 238,6 tỷ USD. Hiện nay trong bối cảnh hoạt động sản xuất năng lượng bùng nổ, Mỹ đang dần bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu từ nước ngoài, phần nào giúp kéo giảm thâm hụt thương mại. Trong khi đó, giá dầu liên tục trượt dốc cũng giảm bớt áp lực lên giá nhập khẩu xăng dầu.
Thâm hụt thương mại tăng cao trong khi lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu chậm lại có thể sẽ là trở ngại lớn, kéo giảm đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 3 tháng cuối năm.
Nguồn: DVO/Reuters