Mỹ tăng cường vũ trang cho Philippines
Mặc dù chính quyền Mỹ và Philippines biết rằng, lực lượng vũ trang Philippines không bao giờ có đủ sức mạnh chống lại Trung Quốc, nhưng các biện pháp hỗ trợ quân sự đó của Mỹ nhằm giúp Philippines đạt được sức mạnh phòng thủ "tin cậy tối thiểu". Chiếc tàu đầu tiên Mỹ chuyển giao cho Philippines mang tên Gregorio del Pilar đã đến Philippines tháng 8/2011 và chiếc thứ hai sẽ tới trong năm nay.
Các quan chức Philippines cho biết, đây có thể chỉ là sự mở đầu của một kỷ nguyên tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Nghị sĩ Rodolfo Biazon, chủ tịch ủy ban quốc phòng hạ viện Philippines cho biết Manila đã có kế hoạch mua các hệ thống vũ khí hiện đại để trang bị cho lực lượng không quân và hải quân Philippines.
Trung tá Miko Okol, người phát ngôn lực lượng không quân Philippines khẳng định, quốc hội nước này đã chấp thuận kế hoạch đặt mua các máy bay tấn công trên biển, máy bay trực thăng tấn công, máy bay tuần tiễu tầm xa và các loại radar trong thời gian tới.
Ông cho biết: "Tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết các loại vũ khí đặt mua của nước nào nhưng đó là các hệ thống vũ khí sẽ được mua trong hai hoặc ba năm tới".
Hiện Philippines đặt mua của Mỹ một liên đội máy bay chiến đấu F-16 và một số hệ thống vũ khí khác theo chương trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Một số nhà phân tích Philippines cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông không phải lý do chính thúc đẩy lực lượng vũ trang Philippines nâng cao khả năng quân sự. Giáo sư Rommel C Banlaoi, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, cho rằng việc Philippines nâng cao sức mạnh quân sự có thể nhằm chống lại các nhóm khủng bố quốc tế, cướp biển, các băng đảng buôn lậu vũ khí và ma túy, buôn bán người trái phép và nhiều hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác đang hoành hành tại Biển Đông, Celebes và Sulu.
Tuy nhiên, theo ông Banlaoi, thời điểm Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quân sự cũng thể hiện mục đích địa chính trị lớn hơn nhiều, đó là thâm nhập các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông và Mỹ thúc đẩy hợp tác quân sự với Philippines để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
Mặc dù không tuyên bố chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông nhưng Chính quyền Mỹ rất quan tâm duy trì quyền tự do hàng hải trong khu vực cho tất cả các tàu chiến, tàu dân sự hoặc thương mại của Mỹ và các nước đồng minh, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo giáo sư Banlaoi, việc Mỹ hỗ trợ Philippines là một phần trong chiến lược "trở lại châu Á" của tổng thống Obama nhằm củng cố tất cả các liên minh hiện có của Mỹ ở châu Á gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines.
Trong số các đồng minh châu Á của Washington, Manila là đồng minh duy nhất không có khả năng quân sự đáng tin cậy và thực sự là mắt xích yếu nhất trong các liên minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines một hệ thống radar hiện đại để theo dõi tốt hơn bờ biển phía Tây nước này.
Ông Biazon cho biết, quân đội Philippines không những rất cần có các hệ thống radar mà cả các hệ thống thông tin liên lạc. Đó là một phần của chương trình hợp tác quân sự Mỹ-Philippines.
Tuy nhiên, tại Philippines cũng có nhiều ý kiến chỉ trích và nghi ngờ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của chính phủ. Nghị sĩ Neri J Colmenares, đại diện phong trào cánh tả Bayan Muna, cho rằng các nỗ lực thúc đẩy khả năng phòng thủ "đáng tin cậy" của Philippines là vô ích và chỉ tăng sự lệ thuộc của nước này vào Mỹ.
Nhiều học giả khác như Giáo sư Benito Ong Lim, một chuyên gia Trung Quốc giảng dạy môn khoa học chính trị tại Đại học Tổng hợp Ateneo de Manila, không tin vào sự giúp đỡ trung thực của Mỹ. Ông cho rằng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc mạnh hơn tất cả các loại vũ khí của các nước ASEAN cộng lại.
Nguồn Vietnam+