Mỹ tăng cường trang bị vũ khí cho các nước vùng Vịnh đối phó với Iran
Theo báo cáo trình lên quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong hai tháng qua, ước tính Lầu Năm Góc đã bán khoảng 11,3 tỷ USD vũ khí cho các quốc gia như Qatar và Kuwait, những đồng minh được coi là những đối tác quan trọng hàng đều trong việc kiềm chế Iran và bảo vệ đường vận chuyển dầu.
Tuy nhiên, những hợp đồng, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot và máy bay trực thăng tấn công Apache, chỉ là một phần khiêm tốn trong số hàng loạt những giao dịch bán vũ khí mà Mỹ dành cho vùng Vịnh trong thời gian qua. Năm ngoái, Mỹ từ ký hợp đồng trị giá 60 tỷ USD với Ả rập Xê út, trong đó bao gồm nhiều khí tài quân sự tiên tiến như 80 chiến đấu cơ F-15SA, tên lửa, hệ thống radar cảnh báo cùng nhiều thiết bị khác.
Sự sôi động trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp vũ khí Mỹ, được sự đồng ý của Lầu Năm Góc cùng sự phê duyệt của quốc hội, cho thấy Washington đang tìm cách giúp các nước vùng Vịnh tăng cường hỏa lực hiện có cũng như mạng lưới phòng thủ trước những diễn biến căng thẳng của khu vực.
|
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng cho triển khai vô sô máy bay chiến đấu và các khí tài quân sự khác trên khắp vùng Vịnh, bao gồm cả những căn cứ không quân tại các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và Ả rập Xê út.
Hải Quân Mỹ cũng dự kiến tổ chức tập trận trên quy mô lớn trong tháng 9 - một động thái trả lời cho lời đe dọa đóng eo biển Hormuz của Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện của hải quân tại vịnh Ba Tư khi điều động hạm đội 5 tới Bahrain, đồng thời triển khai thêm tàu sân bay USS Ponce, USS John C. Stennis tới khu vực này.
Không chỉ Mỹ, mà ngay cả các thành viên trong khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tăng cường trang bị vũ khí cho các nước Ả rập trong thời gian qua. Mới đây, Qatar chính thức đề nghị mua 200 xe tăng Leopard II của Mỹ. Trong tháng 5, Ảrập Xêút cũng ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD mua 72 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của Anh.
Việc liên tục mua vũ khí một lần nữa cho thấy quan điểm cứng rắn chống Iran của các nước Ả rập trong vùng Vịnh. 6 quốc gia trong Hội đồng Họp tác vùng vịnh (GCC) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Tehran can thiệp vào các vấn đề nội bộ trong khu vực.
Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp với Israel, song mọi cuộc tấn công của nhà nước Do Thái nhằm vào Iran đều có thể lôi kéo các lực lượng quân sự vùng Vịnh vào một cuộc xung đột trên quy mô lớn.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược Kuwait, ông Sami al-Faraj nhận định trong bối cảnh bế tắc giữa Iran, Israel và phương Tây, nguy cơ các nước vùng Vịnh bị lôi kéo vào xung đột là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, bởi họ là những quốc gia bị kẹt giữa hai bên tranh chấp.
Nguồn AP/Khampha