Thứ Năm | 14/06/2012 07:16

Mỹ tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á

Mỹ tăng cường hợp tác song phương với Ấn Độ cả về thương mại và quốc phòng nhằm đẩy mạnh chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương.
Hôm qua (13/6), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và  người đồng cấp Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna đã nhất trí tăng cường hợp tác về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải và an ninh mạng trong bối cảnh Washington muốn chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương.

"Các nguyên tắc chiến lược cơ bản giữa 2 nước đã khiến lợi ích quốc gia của 2 nước gần nhau hơn" và những lợi ích đó không chỉ bao gồm "giá trị dân chủ, mà còn cả những yêu cầu về kinh tế, ngoại giao cũng như an ninh", Ngoại trưởng Clinton cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết hai nước sẽ hợp tác hướng tới ký kết một hiệp ước đầu tư song phương và thúc đẩy thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh nhằm chống khủng bố, an ninh mạng và đối thoại 3 nước với Afghanistan.

Nền kinh tế đang tăng trưởng Ấn Độ - được xem là đối trọng tiềm năng về ảnh hưởng chiến lược với Trung Quốc - khiến cho quốc gia Nam Á này có tính chủ chốt trong chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á.

Thương mại song phương giữa 2 nước đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua nhờ việc Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ và những hợp tác về năng lượng sạch, an ninh mạng, chống khủng bố... Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng khiến Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

Tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng tăng cao thể hiện ở việc gần đây nhiều quan chức cấp cao của Washington sang thăm Delhi. Trước đó (ngày 6/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thăm Ấn Độ 2 ngày để bàn về việc thiết lập mối quan hệ chiến lược và quân sự song phương trong bối cảnh lực lượng NATO sẽ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014. Bộ trưởng Tài chính Timothy F. Geithner dự kiến ​​ngày 27-28/6 sẽ tham dự cuộc họp thường niên về đối tác kinh tế và tài chính Mỹ-Ấn Độ tổ chức lần thứ 3.

Về phía Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Krishna cho biết: "Kinh tế Ấn Độ sẽ khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và lấy lại đà tăng trưởng". Ông nhấn mạnh hợp tác hiệu quả và vững mạnh trong lĩnh vực chống khủng bố, an ninh quốc gia, an ninh mạng và tình báo trong những năm gần đây là khía cạnh quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước.

Hai nền dân chủ lớn Mỹ và Ấn Độ đã vượt qua những nghi kỵ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh do Delhi nghiêng về phía Matxcơva và dẫn đầu phong trào Không Liên Kết - đã bắt đầu một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương bằng việc hợp tác chặt chẽ về quân sự trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ cho rằng Ấn Độ có thể vẫn còn cảnh giác với việc hợp tác sâu hơn trong bối cảnh Mỹ coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện