Để có thể sản xuất chip, cần một chuỗi cung ứng cực kỳ phức tạp ở đằng sau, và xét về khía cạnh này, lợi thế nghiêng về Trung Quốc.
Mỹ sẽ không ngăn được sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc
Theo ông Stanley Chao, cựu Phó Chủ tịch Điều hành của nhà sản xuất chip Kingston Technology tại Mỹ, Bắc Kinh vẫn giữ lợi thế trong ngành chip khi Mỹ chật vật thúc đẩy sản lượng nội địa.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã dần hạn chế khả năng mua các công nghệ sản xuất chip tiên tiến của các công ty Trung Quốc, trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Mặc dù năng lực bán dẫn của Trung Quốc hiện không thể so sánh với của Đài Loan, Hà Lan hay Mỹ, nhưng Trung Quốc chắc chắn không bắt đầu từ con số 0.
Sự vững mạnh của Trung Quốc
Kể từ khi bắt đầu sáng kiến Made in China 2025 (nhằm nâng cấp nền tảng sản xuất của Trung Quốc bằng cách phát triển nhanh 10 ngành công nghệ cao) vào năm 2015, các công ty Trung Quốc đã đạt được những bước tiến khác nhau trong hệ sinh thái bán dẫn. Tại thời điểm này, có vẻ như Trung Quốc sẽ sớm vượt qua được sự kìm kẹp của Mỹ, tuy nhiên ngành bán dẫn của nước này cũng sẽ hơi đuối sức.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra các biện pháp kiểm soát áp dụng cho các công nghệ tạo ra chip 14 nanomet hoặc 16 nm, cũng như các chip tiên tiến hơn và có kích thước bé hơn, nhằm hạn chế những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và phát triển tên lửa đạn đạo.
Thế nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trên đường sản xuất chip dưới 14 nm. Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, năm ngoái dường như đã sản xuất thành công chip 7 nm. Tuy nhiên lại có rất ít thông tin chi tiết về bước ngoặt này, dẫn đến các câu hỏi liệu việc sản xuất có bền vững về mặt thương mại hay không.
SMIC không phải là công ty Trung Quốc duy nhất tuyên bố những chiến công như vậy. Huawei Technologies, vốn chịu sự hạn chế nghiêm ngặt nhất của Mỹ, vào cuối năm ngoái đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ in thạch bản, rất quan trọng trong sản xuất chip tiên tiến.
Nếu ngân sách là thước đo chính của sự thành công, thì có lẽ Trung Quốc sẽ ở vị trí đầu tiên. Theo Đạo luật Khoa học và CHIPS được thông qua vào năm ngoái, Mỹ đang rót 52,7 tỉ USD vào việc xây dựng, hiện đại hóa và mở rộng sản xuất chip trong nước. Trong khi đó, EU đang cân nhắc kế hoạch đầu tư 46 tỉ USD. Nhưng ngay cả khi kết hợp lại, những con số này vẫn còn mờ nhạt so với gói đầu tư 1.000 tỉ nhân dân tệ (146 tỉ USD) mà Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị.
Mỹ ra sức kìm kẹp
Để được hỗ trợ theo Đạo luật CHIPS, các công ty sẽ cần phải đáp ứng một loạt điều kiện, bao gồm không mở rộng công suất chất bán dẫn ở "các quốc gia nước ngoài có liên quan trong 10 năm" và cũng không được "cố ý tham gia vào bất kỳ nỗ lực cấp phép công nghệ nghiên cứu chung nào với một thực thể nước ngoài có liên quan đến công nghệ hoặc sản phẩm nhạy cảm".
Quốc gia chính được đề cập tất nhiên là Trung Quốc. Trên thực tế, chính quyền ông Biden đang yêu cầu các công ty lựa chọn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hầu hết các nhà sản xuất chip đã tham gia vào thị trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Chẳng hạn như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics đã đầu tư hàng tỉ USD cho các nhà máy ở Trung Quốc.
Mặc dù có sự hỗ trợ từ Tổng thống Joe Biden, nhưng TSMC vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ sinh thái chất bán dẫn tích hợp theo chiều dọc ở bang Arizona. Ảnh: Reuters. |
Khi bà Nancy Pelosi, thời điểm đó là người phát ngôn của Hạ viện Mỹ, đến thăm Đài Loan vào năm ngoái, ông Morris Chang, người sáng lập kiêm cựu Chủ tịch của TSMC, được cho là đã nói với bà rằng những nỗ lực của Washington để trở thành một cường quốc bán dẫn là ngây thơ và sẽ thất bại.
Ông đã đề cập đến tính phức tạp của việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn tích hợp theo chiều dọc vào năm 2024, khi nhà máy đầu tiên của TSMC ở bang Arizona dự kiến đi vào hoạt động. TSMC đã mất hơn 30 năm để thúc đẩy, nuôi dưỡng và trao niềm tin cho hơn 2.500 nhà cung cấp hàng đầu và hơn 10.000 nhà cung cấp thứ cấp, nhiều trong số đó có trụ sở tại Trung Quốc.
Để có thể sản xuất chip, cần một chuỗi cung ứng cực kỳ phức tạp ở đằng sau, và xét về khía cạnh này, lợi thế nghiêng về Trung Quốc.
Công sức 30 năm
Sản xuất chip đòi hỏi phải phối hợp vô số tài nguyên không liên quan và công nghệ tiên tiến bao gồm các thỏi silicon thô và kim loại đất hiếm từ Trung Quốc và khí neon từ Ukraine, cùng với các hóa chất đặc biệt, công cụ xử lý và thử nghiệm, tia laser, máy hút chân không và nguồn điện từ mọi nơi trên thế giới.
Kết hợp lại, các vấn đề hậu cần khiến nhà máy tại Arizona, dự kiến hoàn thành vào năm 2024, trở thành điều bất khả thi.
Hơn nữa, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng đến Trung Quốc vì từ 30 năm trước, nước này đã “nuôi dưỡng” kho dự trữ kim loại đất hiếm, các nhà thiết kế và kỹ sư chip lành nghề cũng như hàng ngàn nhà cung cấp bản địa.
Mặc dù vẫn đi sau các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ chip, nhưng theo thời gian, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có thể biến các ngành công nghiệp non trẻ - dù là đường sắt cao tốc, viễn thông, xe điện hay mạng xã hội - thành những kẻ khổng lồ.
Các biện pháp trừng phạt của ông Biden nhiều khả năng sẽ đi theo con đường tương tự như cách ông Trump kìm kẹp Huawei, dẫn đến lỗi thời. Lệnh cấm vận, mặc dù có vẻ nặng nề, nhưng lại tạo động lực cho một Bắc Kinh không nao núng để thu thập bí quyết công nghệ trong nước, huy động hàng trăm tỉ USD và xây dựng chuỗi cung ứng để đưa hệ sinh thái bán dẫn bị đánh giá thấp lên một tầm cao mới.
Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt mới đơn giản là quá ít, quá muộn để ngăn chặn đà phát triển của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp toàn cầu vỡ nợ nhiều nhất kể từ năm 2020
Nguồn Nikkei Asia