Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Syria
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Victoria Nuland cho biết Mỹ tin rằng hành động can thiệp quân sự như "đổ thêm dầu vào lửa" sẽ không thể cứu mạng sống của người dân Syria, do đó Mỹ "sẽ hỗ trợ phe đối lập Syria theo những cách không gây chết người".
Bà Nuland cũng nói thêm rằng "Phần lớn người dân Syria không muốn sự can thiệp quân sự bên ngoài hay nhiều vũ khí được vận chuyển vào đất nước mình".
Washing đang hợp tác với phe đối lập về các kế hoạch và nguyên tắc nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ trong nước, bà Nuland nhấn mạnh.
Trong những ngày qua, chính phủ và lực lượng nổi dậy Syria đã giao tranh quyết liệt ở thủ đô Damascus và Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở nước này. Quân đội chính phủ đang gửi tiếp viện đến thành phố Aleppo.
Syria cáo buộc tình trạng bất ổn kéo dài 17 tháng ở quốc gia Trung Đông này là do sự hỗ trợ của các nước bên ngoài và tổng thống al-Assad hôm qua 26/7 cũng ban hành đạo luật thiết lập một tòa án xét xử các vấn đề liên quan đến khủng bố.
Tuy nhiên, nhiều nước khác vẫn lo ngại tình hình xung đột leo thang ở Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 25/7 phát biểu trên kênh truyền hình TV 24 rằng sự hiện diện của Đảng Lao động Kurdistan (PKK) ở biên giới Thỗ Nhĩ Kỳ là do sự giúp đỡ của Syria và cảnh báo nước này sẽ trả đũa bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Bắc Syria.
"Khu vực biên giới là những vùng nhạy cảm và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tha thứ việc PKK hợp tác với bất kỳ tổ chức nào ở khu vực này", thủ tướng Erdogan cho biết.
Sự hiện diện của PKK - bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và liên minh châu Âu liệt kê trong danh sách khủng bố - ở khu vực biên giới phía bắc Syria có thể gây bất ổn cho các tỉnh phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sinh sống của 12 triệu người dân tộc Kurd, thủ tướng Erdogan nói thêm.
Cũng trong ngày 25/7, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới, tăng cường triển khai quân đội tại khu vực này, đồng thời điều động nhiều tên lửa chống máy bay cùng phi cơ chiến đấu tới gần biên giới Syria.
Nguồn Tân Hoa Xã/Khampha