Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ đe dọa tăng trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 
Thái Bình Thứ Ba | 08/01/2019 09:12

Mỹ sẽ gia tăng sức ép Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ

Thuế quan giờ không còn là mục tiêu chính trên bàn đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc mà lĩnh vực đối đầu đã lan sang công nghệ.

Các chuyên gia đánh giá, Mỹ sẽ gia tăng sức ép trong lĩnh vực công nghệ trong năm 2019. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của phía Mỹ trong đàm phán giải pháp tổng thể với Trung Quốc là ngăn chặn Trung Quốc vươn lên đe dọa vị trí lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Chính vì thế, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục gây sức ép để Bắc Kinh phải huỷ bỏ hay  giảm bớt sự hậu thuẫn trợ cấp đối với các doanh nghiệp công nghệ của nước này. Phía Mỹ cũng sẽ đưa ra những yêu cầu thay đổi mang tính cơ cấu đối với Trung Quốc trong việc chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. 

Hôm qua, sự kiện được thị trường chờ đợi nhất chính là vòng đàm phán đầu tiên của năm mới giữa 2 nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Bắc Kinh.

Cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày sẽ đem ra thảo luận việc ngừng áp thuế lên hàng hoá giữa 2 bên. Số phận của một loạt các ngành nghề, hàng hoá giữa 2 quốc gia sẽ nằm trên bàn đàm phán lần này.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ đe dọa tăng trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quan ngại này đã khiến cho thị trường chứng khoán lao dốc và gây áp lực lớn lên các công ty Mỹ đang bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc, điển hình là Apple. Lần đầu tiên trong 16 năm qua, ông chủ táo khuyết đã phải hạ dự báo tăng trưởng doanh thu do sụt giảm doanh số bán iPhone tại Trung Quốc.

My se gia tang suc ep Trung Quoc trong linh vuc cong nghe
Thị trường chứng khoán lao dốc và gây áp lực lớn lên các công ty Mỹ đang bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc, điển hình là Apple

Không chỉ Apple, nhiều ông lớn về công nghệ và các hãng sản xuất ô tô của Mỹ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, trong khi giá nguyên liệu và phụ tùng nhập khẩu lại tăng. Các công ty này đang tính đến chuyện chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác nhằm tránh các lệnh áp thuế. Vì vậy, khi các nhà đàm phán ngồi vào bàn thương lượng hôm nay, họ phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía để đạt được một thỏa thuận.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 6,5% trong quý III/2018. Trong khi đó, tại Mỹ dù tăng trưởng GDP đạt 3,4% trong quý III/2018 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp dưới 4% nhưng các khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang suy yếu do lo ngại tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay.

Ngay trước vòng đàm phán hôm nay, cả 2 phía đều bày tỏ lạc quan về kết quả đàm phán. Ngày 6.1, khi được hỏi về triển vọng kết quả vòng đàm phán lần này, Tổng thống Trump khẳng định các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang tiến triển tốt và ông tin rằng Bắc Kinh có lý do và động lực để đạt được một thỏa thuận với Mỹ vì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các nhà đàm phán Mỹ sẽ trao đổi trên tinh thần lạc quan và xây dựng với phái đoàn Trung Quốc về những thỏa thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp tại Argentina.

Trong khi đó, dư luận và giới đầu tư lại không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả vòng đàm phán lần này. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hasset cho rằng, Mỹ sẽ không dễ dàng giành chiến thắng trong chiến tranh thương mại và nhiều công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu thiệt hại cho đến khi 2 nước đạt được một thỏa thuận.

Hai bên quyết định chỉ tiến hành đàm phán ở cấp Thứ trưởng cũng cho thấy sự cần thiết phải tìm hiểu các chi tiết kỹ thuật trước khi các quan chức ở cấp cao hơn đưa ra quyết định cứng rắn về các vấn đề lớn. Điều đó có nghĩa là nhiều khó khăn vẫn đang chờ đợi hai nước sau vòng đàm phán lần này.