Thứ Ba | 24/07/2012 07:14

Mỹ sẽ dùng bất cứ đe dọa nào nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học

Mỹ và phương Tây lên tiếng báo động khi Syria lần đầu tiên thừa nhận có vũ khí hóa học và sẵn sàng sử dụng nếu bị nước ngoài can thiệp.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 22/7 khẳng định Mỹ sẽ "quy trách nhiệm" bất kỳ quan chức Syria nào liên quan tới việc phân phối hoặc sử dụng vũ khí hóa học của nước này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington cảnh báo chống lại Chính phủ Syria, lực lượng nổi dậy hay bất cứ chiến binh nào sử dụng vũ khí hóa học hay cố gắng để có được chúng.

Giữa tháng này, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin tình báo Mỹ rằng Syria đã di chuyển kho vũ khí hóa học của mình, dấy lên lo ngại Tổng thống Bashar al-Assad có thể sử dụng số vũ khí này để bảo vệ chính quyền đang lung lay của mình.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ đang "tích cực tham vấn với các nước láng giềng của Syria và những người bạn của chúng tôi trong cộng đồng quốc tế nhằm bày tỏ quan ngại chung về tính an toàn của loại vũ khí này và nghĩa vụ của Chính phủ Syria trong việc kiểm soát chúng. Có nhiều cách mà một chính phủ hoặc các cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm trước hành vi này hoặc sẽ hứng chịu hậu quả khi cố tình phổ biến hoặc sử dụng vũ khí hóa học".

Các nước phương Tây cũng bày tỏ lo ngại vũ khí hóa học có thể rơi vào tay các nhóm chiến binh khi chế độ Tổng thống Assad bị lật đổ. Israel đã công khai thảo luận về hành động quân sự nhằm chống lại vũ khí hóa học hay tên lửa của Syria.

Mối lo ngại càng gia tăng khi Syria lần đầu tiên thừa nhận có vũ khí hóa học và cho biết quân đội sẽ không sử dụng vũ khí hóa học để đánh bại phe đối lập nhưng có thể sẽ sử dụng chúng khi chống lại sự can thiệp từ các lực lượng bên ngoài.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi tại một cuộc họp báo cho biết "Syria sẽ không sử dụng bất kỳ hóa chất hay vũ khí vi khuẩn nào bất chấp khủng hoảng leo thang. Những vũ khí được lực lượng quân đội Syria cất giữ và giám sát trực tiếp này sẽ không bao giờ được sử dụng trừ khi Syria phải đối mặt với sự xâm lược từ bên ngoài".

Năm 1992, Damascus vẫn chưa ký công ước quốc tế năm 1992 về cấm sử dụng, sản xuất hay tàng trữ vũ khí hóa học và các quan chức Syria đã nhiều lần phủ nhận về sự tồn tại của bất kỳ kho dự trữ nào ở trong nước.

Trang web An ninh Toàn cầu với nhiệm vụ thu thập báo cáo tình báo và những dữ liệu khác, nghi ngờ vũ khí hóa học được cất giữ  ở các điểm như phía bắc Damascus, gần Hóm, ở Hama và gần cảng Địa Trung Hai Latakia.

Cũng tại cuộc họp báo, Phát ngôn viên Makdissi cho biết tình hình an ninh ở Damascus đã được cải thiện và sẽ sớm trở lại bình thường trong vài ngày tới. Ông lên án những lời kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức tại cuộc họp của ngoại trưởng Liên đoàn Ả Rập vừa qua, gọi đó là hành động "can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ Syria".

"Syria rất tiếc khi Liên đoàn Ả rập quan tâm đến tình hình của một quốc gia thành viên đến mức độ này" và quyết định Tổng thống Bashar al-Assad có phải từ chức hay không "chỉ liên quan đến người dân Syria, những người có quyền quyết định số phận chính phủ của họ", Phát ngôn viên Makdissi cho biết

"Nếu các quốc gia Ả rập muốn ngăn chặn đổ máu, họ sẽ ngừng cung cấp vũ khí", Phát ngôn viên Makdissi nói thêm.

Trước đó, tại cuộc họp ở Doha, Liên đoàn Ả rập đã bàn về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria đồng thời nói rằng sẽ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad "một lối thoát an toàn" nếu ông nhanh chóng từ chức và rời khỏi đất nước.

Liên đoàn Ả rập cũng yêu cầu Liên Hợp Quốc thông qua việc thành lập một khu vực an toàn ở Syria để bảo vệ người dân địa phương và kêu gọi Quân đội Tự do Syria thiết lập một chính phủ chuyển tiếp ở đất nước này.

Nguồn Straits Times/Khampha


Sự kiện