CCTV America
Mỹ sắp trừng phạt Nga: Châu Âu nổi giận
Hôm thứ Sáu vừa qua, Nhà Trắng đã cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Trước đó vào hôm thứ Năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua các lệnh trừng phạt này. Để trả đũa, Nga đã yêu cầu Mỹ phải cắt giảm số nhân sự ngoại giao tại Nga từ 1.200 người xuống còn 455 người (đúng bằng số nhân sự ngoại giao Nga tại Mỹ) kể từ ngày 1/9, cũng như sẽ tịch thu lại 2 bất động sản đang được sử dụng bởi các nhân viên ngoại giao Mỹ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cho trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga, cũng như tịch thu 2 bất động sản được sử dụng bởi các nhân viên ngoại giao Nga.
Có một điều khá bất ngờ đã xảy ra: tuy Mỹ và châu Âu xưa nay vẫn là các đồng minh thân cận và hợp tác chặt chẽ trong việc trừng phạt Nga, nhưng các lệnh trừng phạt mới kỳ này lại bị phản đối dữ dội bởi châu Âu. Bất đồng hiện nghiêm trọng đến nỗi Ủy ban châu Âu (EC), nơi cảm thấy các lợi ích kinh tế của họ đang bị đe dọa, thậm chí còn dọa trả đũa nếu Quốc hội Mỹ vẫn tiến hành mà “không thèm đoái hoài” đến những lo ngại của họ.
Các nghiên cứu mới nhất từ Berlin Economics cho thấy GDP năm 2016 của châu Âu đã sụt giảm khoảng 0,03-0,05% do sụt giảm xuất khẩu sang Nga. Ảnh: Berlin Economics |
Lý do chính của bất đồng ngoại giao này chủ yếu là vì một vấn đề: khí đốt thiên nhiên.
Dù đã có những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, nhưng khoảng 1/3 lượng khí đốt thiên nhiên của Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn đến từ xứ sở bạch dương.
Một phần lượng khí đốt tương đối rẻ này được chuyển đến Ý và Pháp, nhưng nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu hiện phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Nga.
Vì thế, an ninh năng lượng có liên quan rất lớn đến chính trị, và là một vấn đề mà châu Âu xem là “không có chỗ dành cho người ngoài” – ngay cả với những đồng minh thân cận như Mỹ.
EU hiện lo ngại rằng các lệnh trừng phạt đang được Quốc hội Mỹ xem xét có thể cản trở một vài dự án năng lượng chủ chốt trên lục địa này và càng gây chia rẽ bên trong EU.
“EU sợ rằng chính sách của Mỹ sẽ hạn chế công việc của các công ty châu Âu và gây ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách năng lượng bên trong EU”, Kristine Berzina, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, lên tiếng.
Giá trị đồng ruble của Nga (đường màu xanh) đã sụt giảm mạnh do tác động từ giá dầu (đường màu đen) cũng như ảnh hưởng của các lệnh cấm vận. Ảnh: Business Insider |
Đặc biệt, có một dự án đã dẫn tới đối đầu căng thẳng – đó là Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí sẽ đi từ Nga xuyên qua vùng Baltic và kéo dài tới Đức.
Những người phản đối dự án này tại EU nói rằng Nord Stream 2 sẽ chỉ tăng sự phụ thuộc của khối liên minh này vào nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, nó lại nhận được sự ủng hộ ở Đức.
Tuy nhiên, cả hai phía này đều đồng ý về một điểm: Mỹ không nên xen vào vụ tranh cãi này bằng các lệnh trừng phạt hay những cách khác.
“Nguồn cung năng lượng của châu Âu là một vấn đề cho châu lục này, chứ không phải cho nước Mỹ”, Đức và Áo lên tiếng hồi tháng 6.
Thông điệp đó dường như đã được nghe thấy ở Washington, nơi mà nhiều nghị sĩ cũng phản đối đường ống này. Đạo luật trừng phạt đã được thay đổi nhằm bảo đảm rằng nó không ảnh hưởng đến dự án đó.
Phác thảo các đường ống Nord Stream 1 và 2. Ảnh: Gazprom |
Tuy vậy, những lo ngại về tác động kinh tế trên phương diện rộng của các biện pháp trừng phạt mới vẫn còn.
“Chuyện này không chỉ xoay quanh Nord Stream 2. Có dấu hiệu cho thấy rằng một số lo ngại của chúng ta đang được xem xét nhưng cần phải làm nhiều việc hơn để giải quyết đầy đủ những lo ngại của chúng ta”, là phát biểu của Margaritis Schinas, phát ngôn viên trưởng của EU.
Giới chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến các quan hệ hợp tác giữa các công ty Nga và EU để phát triển những dự án năng lượng ngoài khơi Ai Cập trở nên xấu đi. Chúng cũng có thể ngăn cản các công ty Ý và Nga hợp tác với nhau tại “Hành lang khí đốt phương Nam”, một dự án sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến các quốc gia ở phía Nam EU.
EU đã cố gắng giảm sự phụ thuộc của mình vào nguồn khí đốt của Nga, chủ yếu được ản xuất bởi tập đoàn quốc doanh Gazprom.
Liên minh này đang cải thiện hệ thống đường ống giữa những quốc gia thành viên, và bắt đầu mua nhiều khí đốt hơn từ các nơi khác như Qatar và Mỹ.
Kể từ năm 2014, hai điểm nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) đã đi vào hoạt động ở Ba Lan và Lithuania, giúp cho vùng này được tiếp cận với các nguồn nhập khẩu đến từ những nơi khác.
Nga là nguồn cung khí đốt nhập khẩu lớn thứ nhì của EU, sau Na Uy. Ảnh: EC |
EU cũng đã bắt buộc Gazprom ngưng ngăn cản các quốc gia châu Âu bán lại nguồn khí đốt của họ, và cho phép khách hàng đàm phán lại giá của những hợp đồng dài hạn.
Tuy nhiên, châu Âu có thể làm nhiều điều hơn. Dữ liệu nhập khẩu cho thấy rằng lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga đã tương đối ổn định kể từ năm 2014, và tăng lên trong năm 2016 khi giá giảm xuống.
Trong bối cảnh này, những động thái nào của giới nghị sĩ Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng trong khu vực này sẽ không được hoan nghênh – đặc biệt là sau 3 năm hợp tác chặt chẽ giữa 2 bờ Đại Tây Dương về vấn đề trừng phạt Nga.
“Họ đang có cảm giác mất đi một mối quan hệ”, Berzina nói về suy nghĩ của người châu Âu.
Lê Thanh Hải
Nguồn CNBC/CNN