Mỹ ngừng ưu đãi thương mại với Bangladesh
Quyết định của chính quyền Mỹ được đưa ra 2 tháng sau vụ việc một nhà máy dệt may ở Bangladesh bất ngờ bị sập, khiến 1.129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Sau đó vài ngày, một vụ cháy khác cũng cướp đi sinh mạng của 112 công nhân Bangladesh. 2 vụ tai nạn liên tiếp cho thấy tình trạng mất an toàn lao động đáng báo động của Bangladesh.
Từ trước đến nay, Bangladesh vẫn được hưởng ưu đãi thương mại từ Hệ thống ưu đãi phổ cập của Mỹ (viết tắt là GSP). Tuy nhiên, khi chương trình này bị đình chỉ, hàng loạt sản phẩm của Bangladesh như thuốc lá, dụng cụ thể thao, sản phẩm nhựa, đồ sứ và một phần nhỏ các sản phẩm dệt may sẽ bị chính quyền Mỹ tăng thuế.
Tuy nhiên, quyết định này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh bởi mặt hàng này không đủ điều kiện để được giảm thuế. Trong năm 2012, Bangladesh được miễn khoảng 2 triệu USD tiền thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhờ chương trình GSP.
Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng mục tiêu của Washington là buộc Bangladesh phải cải thiện điều kiện làm việc và bảo đảm an toàn lao động cho các công nhân nếu muốn được Mỹ tiếp tục ưu đãi thương mại.
Chủ tịch hiệp hội lao động liên bang Mỹ AFL-CIO Richard Trumka cho rằng quyết định trên của chính phủ Mỹ còn là một thông điệp quan trọng dành cho các nước được nhận ưu đãi thương mại khi đặt chân vào thị trường Mỹ.
"Những quốc gia có điều kiện làm việc kém an toàn - thậm chí gây chết người - cũng như không có được quyền lao động cơ bản cho công nhân, sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất ưu đãi khi tiếp cận thị trường Mỹ", ông Trumka nói.
Bên cạnh đó, nó cũng buộc các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Bangladesh phải lên kế hoạch cải thiện điều kiện làm việc cho các công nhân trong nhà máy.
Nguồn Reuters/Dân Việt