Mỹ Latinh bùng nổ trong khủng hoảng
Bức tranh màu sáng
Tại thủ đô Santiago, các máy rút tiền tự động luôn trong tình trạng hết tiền bởi người tiêu dùng Chile chi rất nhiều cho mua sắm. Những tòa nhà cao chọc trời liên tiếp xuất hiện tại Bogotá (thủ đô Colombia) để cung cấp các văn phòng và không gian bán lẻ cần thiết cho một nền kinh tế đang tăng trưởng ấn tượng. Đó là những hình ảnh khó có thể thấy được ở châu Âu lúc này.
Tăng trưởng GDP của Mexico - điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang vượt quá mức dự đoán. Brazil, quốc gia đã vượt Anh để dành vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng vừa công bố gói kích thích kinh tế trị giá 66 tỷ USD cùng với những khoản tiền được đầu tư để chuẩn bị cho World Cup 2014 và Olympics 2016.
Có vẻ như "giai điệu" kinh tế của Mỹ Latinh đang khác xa so với châu Âu - khu vực kinh tế đang ngập trong khủng hoảng tài chính, trì trệ với những giải pháp thắt lưng buộc bụng và dấn sâu hơn vào suy thoái.
Kinh tế Mỹ Latinh đang được tích cực điều chỉnh khi mà hầu hết các quốc gia đều dự đoán tăng tưởng chậm hơn nhưng vẫn chắc chắn. Một nước đang chuẩn bị rút tiền từ kho dự trữ để thực hiện những kế hoạch đưa nền kinh tế tránh khỏi suy thoái toàn cầu.
Khả năng chống đỡ của họ trước cơn bão suy thoái sắp tới sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với những nhận thức về một khu vực từng được cho là điển hình của bất ổn tài chính và tiêu xài thiếu trách nhiệm và những chính sách thiếu nhất quán.
Gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh nhận được sự khen ngợi của Liên Hợp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới về những phấn đấu trong việc thiết lập những khoản dự trữ lớn bên cạnh đó là duy trì các khoản nợ công ở mức thấp ấn tượng.
Điều này sẽ mở ra cho họ nhiều cơ hội để tiến hành các gói kích thích khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. Nếu như họ có thể tránh được những ảnh hưởng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng toàn cầu mà không bị nhấn chìm trong nợ nần như hầu hết các quốc gia ở đây đã làm được vào năm 2008, thì uy tín về khả năng điều hành kinh tế của họ sẽ được củng cố.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại những nền kinh tế tốt nhất khu vực trong những năm gần đây đã tạo ra một động lực lớn. Tại Santiago, giá nhà đất tăng vọt, hàng trăm nhà hàng mới xuất hiện và hàng loạt các công trình được tiến hành. Bên cạnh đó, doanh số xe hơi đã tăng cao ở mức ấn tượng vào năm ngoái cho thấy nền kinh tế Chile đã đối phó tốt với giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng thế giới.
Với tỷ lệ tăng trưởng GDP ước tính năm nay là 4,5%, cộng với nguồn dự trữ chính phủ dồi dào, Chile đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đối phó với những tác động tiềm ẩn của khủng hoảng châu Âu.
"Chúng tôi cảm thấy khá thoải mái khi đối diện với những thách thức năm 2012", Rosanna Costa, giám đốc ngân sách nước này cho biết. Chính phủ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng gói kích thích kinh tế trị giá 14 tỷ USD.
Kinh tế Peru đang tăng trưởng khá ổn định, trong khi kinh tế Venezuela cũng được làm nóng bởi doanh thu dầu mỏ và những gói chi tiêu tiền bầu cử của tổng thống Hugo Chávez. Ước tính, năm này kinh tế nước này sẽ tăng trưởng hơn 5%.
Cũng không thể phủ nhận những tác động của thị trường tài chính toàn cầu lên thị trường Mỹ Latinh. Kinh tế Argentina đã tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh suy thoái.
Tuy nhiên, dự đoán khu vực sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm nay - một mức được cho là ấn tượng so trong tình hình kinh tế hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) cho biết GDP của khu vực eurozone đã giảm 0,2% trong quý vừa qua.
Trong khi Tây Ban Nha đang phải cầu cứu các gói cứu trợ thì bộ trưởng bộ tài chính Colombia Juan Carlos Echeverry lại tuyên bố chính phủ của ông "không cần thêm doanh thu". Nhờ các khoản đầu tư gia tăng, tình trạng thất nghiệp giảm và tăng trưởng hàng năm ở mức 4,5% trong hơn một thập kỷ, nền tài chính của Colombia được cho là vững vàng để đối phó với những hiệu ứng của cuộc khủng hoảng châu Âu.
Mặc dù có những dấu hiệu chùng xuống trong những tháng gần đây. Nhưng những biểu tượng mới của sự thịnh vượng vẫn đang hiện diện. Colombia đang xây dựng tòa nhà cao nhất của mình mang tên BD Bacatá 66 tầng. Đó là nơi hội tụ của những khu mua sắm, văn phòng và những căn hộ cao cấp.
Mỹ Latinh: Tiền nhiều và sức hút trước thế giới
Ông trùm bất động sản Tây Ban Nha Venerando Lamelas cho rằng, thị trường châu Âu đang hoạt động không tốt. Mỹ Latinh là điểm đến hấp dẫn và Colombia chính là thị trường tốt nhất của khu vực.
Số khác thì đang theo đuổi những cơ hội mới. Gonzalo Rodriguez 25 tuổi, mới đây đã từ bỏ công việc giao dịch thị trường trái phiếu ở Tây Ban Nha và chuyển đến Brazil làm việc cho một công ty năng lượng.
"Tôi không kiếm được nhiều tiền như ở Tây Ban Nha trước khi nhưng tôi chắc chắn 100% là khoảng 5 năm tới, triển vọng tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng của Brazil sẽ vượt lĩnh vực ngân hàng Tây Ban Nha. Nhiều người tài giỏi ở Tây Ban Nha sẽ không tìm được việc. Còn ở đây thì ngược lại. Brazil không có đủ lao động có trình độ cao để đáp ứng thị trường".
Niềm lạc quan như vậy có thể được thử nghiệm trong vài tháng tới. Brazil đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bất cứ quốc gia nào do tác động của thực trạng nhu cầu sụt giảm trên thế giới, đặc biệt là sức mua hàng hóa yếu đi của Trung Quốc.
Có lẽ tốc độ tăng trưởng của Brazil sẽ chậm lại vào năm nay, chậm hơn khoảng 2-3% so với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực. Điều này đã thúc đẩy tổng thống Dilma Roussef công bố gói kích cầu khủng 66 tỷ USD vào ngày 15/8 vừa qua.
Tuy nhiên, không giống như trước kia, giờ đây Brazil có tiền để chi dùng. Dự trữ quốc tế của nước này đã tăng chóng mặt từ 38 tỷ USD vào năm 2002 lên hơn 370 tỷ USD, một nguồn ngân sách quan trọng để chống đỡ cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Nhiều nhà kinh tế đặt nghi vấn là liệu Brazil và khu vực có thể chứng minh được khả năng chống đỡ của mình trước khủng hoảng. Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đối với các loại hàng hóa đã giúp Mỹ Latinh vượt qua cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Hiện nay, nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đã khiến họ phải sử dụng nhiều hơn đến các khoản dự trữ. Mặc dù tài chính chính phủ đang mạnh mẽ hơn nhiều so với những năm 80- 90 nhưng câu hỏi lớn mà họ nhận được vẫn là họ đã đầu tư thích đáng cho nguồn vốn con người hay chưa.
Nelson de Sousa, giảng viên tài chính tại trường quản lý Ibmec nói: "Những vị trí quan trọng ở Brazil lúc này đang do những người châu Âu nắm giữ, đặc biệt là người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chúng ta chưa đầu tư đầy đủ vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đó chính là khó khăn lớn và nó khác nhiều so với những vấn đề mà châu Âu đối mặt".
Nguồn VEF