Mỹ lập kịch bản bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân
Nghiên cứu này dự đoán rằng vụ nổ khủng khiếp đó sẽ hủy diệt trực tiếp khu vực có bán kính khoảng 800m, các tòa nhà sẽ đổ sụp thành các đống đổ nát như vụ máy bay ném bom đã phá một phần thành phố Berlin, Đức hồi Thế chiến thứ II.
“Tình thế đó cũng không phải là tận cùng của thế giới”, Randy Larsen, một đại tá thuộc lực lượng không quân Mỹ, nói “Đó không phải là kịch bản cho một cuộc Chiến tranh lạnh”.
Báo cáo này ước tính khu vực xảy ra vụ nổ sẽ chỉ trải rộng đến bãi cỏ của Nhà Trắng và xa nhất là đến trụ sở của FBI.
“Nếu có thì sẽ chỉ có rất ít tòa nhà sẽ còn giữ nguyên độ chắc hay thậm chí là đứng được và sẽ có rất ít người sống sót”, báo cáo này dự đoán đồng thời mô tả khu vực nổ sẽ là “khu vực không có người qua lại” trong nhiều ngày sau đó do phóng xạ.
Tuy vậy, Tòa nhà quốc hội Mỹ, Tòa án tối cao và Tượng đài Washington và Lầu Năm Góc nằm trong khu vực “bị phá hủy nhẹ” với các cửa sổ bị vỡ và thương vong nhỏ.
Nghiên cứu này cũng dự đoán sẽ có 323.000 người bị thương và hơn 45.000 người bị thiệt mạng. Một vụ nổ có sức công phá 10 kiloton sẽ lớn gấp khoảng 5.000 lần so với quả bom xe tải phá hủy tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma năm 1995.
Ánh sáng phát ra từ vụ nổ có thể nhìn thấy được từ vị trí cách đó hàng trăm km, nhưng đám mây hình nấm – cao khoảng 8 km – sẽ chỉ duy trì hình nấm của mình trong vòng vài phút.
Ánh sáng của vụ nổ có cường độ mạnh đến nỗi nó sẽ khiến những người trong khu vực bán kính 19km bị mù tạm thời. Có ít nhất 4 bệnh viện sẽ bị phá hủy nặng hoặc không thể nào hoạt động được còn 4 bệnh viện khác sẽ chìm trong bụi phóng xạ. Dự kiến sau đó chính phủ sẽ gửi cảnh báo thông qua ti vi, đài phát thanh, email, tin nhắn và các mạng xã hội như Twitter và Facebook.
Báo cáo này dự đoán bụi phóng xạ sẽ rất nghiêm trọng. Bụi sẽ trôi theo hướng gió và tùy thuộc vào mùa của thời gian xảy ra thảm họa. Ngay trong hai tiếng đầu tiên, lượng bức xạ mà các nạn nhân ở gần khu vực nổ sẽ lên tới mức từ 300 – 800 Roentgen hoặc đủ mạnh khiến tất cả những người đó thiệt mạng.
Về mùa xuân, bụi phóng xạ sẽ chỉ chủ yếu trôi về phía bắc và phía tây của thủ đô Washington. Nhưng về mùa hè, bụi phóng xạ sẽ trôi chủ yếu về đông nam. Sau hai giờ, đám mây phóng xạ sẽ trôi về Baltimore với độ phơi nhiễm phóng xạ thấp hơn.
Sau khi ánh sáng từ vụ nổ phát ra, theo bản năng, người dân sẽ lao về phía cửa sổ để xem tình hình nhưng chỉ 2 giây sau đó, sức ép từ vụ nổ có thể sẽ khiến cửa kính trong vòng bán kính khoảng 5km bị vỡ tung và khiến người đứng cạnh cửa sổ bị thương.
Trong lúc hoảng loạn, các nạn nhân sẽ bỏ chạy khỏi khu vực nổ nhưng nếu chạy ra ngoài, chỉ trong vòng vài phút họ sẽ bị phơi nhiễm phóng xạ cao ở mức gây chết người. Kể cả ngồi trong xe ô tô cũng không giúp bảo vệ người dân trong lúc đó.
Lời khuyên mà chính phủ dành cho mọi người trong vòng bán kinh 80km là: hãy đi xuống gara xe hơi hoặc tầng hầm. Bất kỳ ai từ ngoài đi vào trong nhà nên cởi bỏ áo sơ mi hoặc áo jacket, giầy và chải tóc để rũ bỏ các hạt bụi phóng xạ loại lớn.
Tại các thành phố có mật độ dân cư đông đúc như NewYork thì các tòa nhà chọc trời có thể giúp hạn chế các mảnh vỡ bị lan rộng, nhưng mây bụi phóng xạ sẽ vẫn lan ra diện tích rộng.
Ông Larsen cho hay điều quan trọng là phải nhanh chóng đi xuống các khu vực dưới lòng đất như gara để xe hay tầng hầm và chờ đợi, sau khoảng 7 tiếng đồng hồ, phóng xạ sẽ tan loãng đáng kể.
Nguồn Infonet