Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2013
Giám đốc trung tâm năng lực cạnh tranh thế giới IMD, giáo sư Stephane Garelli, nhận định: "Trong khi khu vực đồng euro (eurozone) ngày càng tụt lùi, thì sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cùng những tin tức tốt từ Nhật Bản đang làm dậy lên những tranh cãi gay gắt về tác dụng thực sự của thắt lưng buộc bụng".
Theo ông Garelli, các quy tắc vàng về năng lực cạnh tranh bao gồm sản xuất, đa dạng hóa, xuất khẩu, đầu tư hạ tầng cơ sở, giáo dục, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thi hành kỷ luật tài chính và trên tất cả là khả năng duy trì sự gắn kết xã hội. Khả năng duy trì sự gắn kết xã hội kém cỏi thể hiện rõ ràng qua hàng loạt cuộc biểu tình trong vài năm qua ở Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.
IMD cho rằng việc Mỹ trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất trong năm 2013 là nhờ cải thiện được lĩnh vực tài chính, đổi mới công nghệ mạnh mẽ và nhiều doanh nghiệp thành công.
Trong khi đó, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức - những quốc gia châu Âu duy nhất lọt vào top 10 - thì được đánh giá là có kỷ luật tài chính tốt, có nhiều doanh nghiệp SME mạnh và đều là các nền kinh tế có định hướng xuất khẩu.
Trên toàn châu Âu, chỉ có Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức và Na Uy là những điểm sáng, đây cũng là 4 quốc gia châu Âu duy nhất có mặt trong top 10 về năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, phần còn lại của châu Âu thì đón nhận kết quả không mấy khả quan, báo cáo cho hay.
Vương quốc Anh bị giảm 9 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, từ số 9 năm 1997 xuống 18 năm 1013. Pháp cũng bị tụt 6 hạng trong cùng kỳ xuống vị trí 28.
Báo cáo cho rằng chính cắt giảm chi tiêu và thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt là nguyên nhân khiến châu Âu ngưng tăng trưởng, gây phản tác dụng tới đời sống dân số và tạo ra một nền kinh tế không có năng lực cạnh tranh.
Đối với các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC), chỉ có Trung Quốc và Nga được thăng cấp trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, trong khi Ấn Độ, Brazil và Nam Phi thì bị hạ cấp do phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Nguồn CNBC/Dân Việt