Mỹ không còn là miền đất dễ kiếm tiến nhất thế giới
Sự lệch pha này có thể được lí giải bởi thực tế rằng, 5% những người giàu nhất tại Mỹ vẫn là những người giàu nhất thế giới và bỏ rất xa các đối thủ khác. Trái lại, 5% những người nghèo nhất nước Mỹ lại thua rất xa những người đồng cảnh ngộ ở các nước phát triển khác, như Canada, Thụy Điển, Na-uy, Phần Lan và Hà Lan. Trong những năm 1980, những nước này đều đứng sau Mỹ xét về mức độ nghèo đói.
Bên cạnh đó, dữ liệu của tổ chức nghiên cứu thu nhập quốc tế Cơ sở dữ liệu nghiên cứu thu nhập Luxembourg còn cho thấy, khoảng cách giữa những người có thu nhập cao nhất, trung bình và thấp tại Mỹ đang gia tăng.
Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia giàu có nhất thế giới xét về GDP bình quân đầu người, sự phân bố của cải tập trung chủ yếu vào nhóm thu nhập cao, trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng chậm hơn rất nhiều so với nhóm 5% những người giàu nhất.
Trong năm 2010, năm gần nhất có dữ liệu được công bố, tầng lớp trung lưu tại Canada và Mỹ có mức thu nhập bình quân khoảng 18.700 USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích của tờ New York Times ước tính rằng, kể từ đó đến nay, Canada đã vượt lên, bởi mức lương tại nước này tăng nhanh hơn nhiều so với tại Mỹ.
Dữ liệu cũng cho thấy, các gia đình trung lưu tại Anh, Hà Lan và Thụy Điển đang sắp theo kịp các gia đình Mỹ, trong khi những người Hy Lạp và Bồ Đào Nha, bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau khủng hoảng tài chính, đang tụt lại.
Lawrence Katz, một nhà kinh tế học của đại học Harvard cho biết: "Trong năm 1960, chúng ta giàu hơn rất nhiều bất kỳ ai khác. Trong năm 1980 chúng ta giàu hơn, và trong những năm 1990 vẫn vậy. Nhưng giờ ý nghĩ rằng những người trung lưu tại Mỹ giàu hơn những người trung lưu ở tất cả các nước khác trên thế giới không còn đúng".
Sự khó khăn của tầng lớp trung lưu là một điệp khúc thường thấy trong chính trị Mỹ, mà mới đầu năm nay, Tổng thống Obama đã dùng bài phát biểu thông điệp liên bang để cáo buộc Quốc hội Mỹ đang khiến cho tầng lớp trung lưu thất vọng.
Thu nhập bình quân của một gia đình Mỹ 4 người trung bình hiện vào khoảng 75.000 USD/năm sau thuế, tăng 20% so với năm 1980, nhưng không đổi so với năm 2000 sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát.
Tại Canada, thu nhập của tầng lớp trung lưu đã tăng 20% trong giai đoạn 2000 - 2010, và tốc độ tương tự được ghi nhận tại Anh. Các khoản tiền lương trong rổ thu nhập của các gia đình tại châu Âu hầu hết đều tăng nhanh hơn Mỹ. Điều đó có nghĩa là các nước khác có thể sớm bắt kịp Mỹ.
"Giấc mơ Mỹ" tan biến vì đâu?
Với việc giấc mơ Mỹ về cơ hội cho tất cả mọi người dường như đang xa dần, khi tầng lớp trung lưu bị tụt lại phía sau so với những người trung lưu ở các nước phát triển khác, các chuyên gia cho rằng lý do của sự sụt giảm này bắt nguồn từ sự kết hợp của đi xuống về các tiêu chuẩn giáo dục, mất cân bằng thu nhập và một văn hóa thuế vốn không hướng tới tái phân phối thu nhập.
Trong khi những người Mỹ lớn tuổi hơn có trình độ học vấn, bao gồm các kỹ năng về tính toán và công nghệ, trên trung bình, thì những người trong độ tuổi 16 - 24 lại nằm trong nhóm cuối bảng.
Xét về tiền lương, các công ty Mỹ thường có xu hướng trả lương cao hơn cho những lãnh đạo lớn tuổi so với các nước khác trên thế giới. Nhưng việc công đoàn có tiếng nói yếu ớt, và mức lương tối thiểu tương đối thấp, nhiều người lao động ở các vị trí thấp không thể bắt kịp, khi tốc độ tăng lương sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát là hầu như bằng 0.
Đặc biệt chính sách thuế tại Mỹ lại ưu ái người giàu nhiều hơn so với tại châu Âu, còn các chương trình phúc lợi xã hội lại kém hào phóng hơn nhiều, trong khi lại thiếu sự tái phân phối thu nhập từ những người giàu nhất cho những người trung lưu hoặc nghèo nhất.
Hiểu một cách đơn giản, người giàu tại Mỹ nộp ít thuế hơn so với người giàu tại châu Âu, và hầu hết các quốc gia phát triển khác trên thế giới, trong khi tầng lớp trung lưu lại được hưởng ít hơn.
Nguồn Dân trí