Logo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: Pierre Albouy
Mỹ khôi phục một phần tài trợ cho WHO
Chính quyền Mỹ sẽ "đồng ý đóng góp số tiền bằng với các khoản mà Trung Quốc đã đóng góp" cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đó là nội dung Fox News ghi nhận và thông tin kênh truyền thông vào 15.5 (giờ địa phương).
Tổng thống Trump đã đình chỉ các đóng góp của Mỹ cho WHO vào ngày 14.4. Ông cáo buộc tổ chức này tiếp tay cho Trung Quốc giấu dịch COVID-19 và nói rằng chính quyền của ông sẽ đưa ra đánh giá về WHO.
Các quan chức WHO phủ nhận cáo buộc của Mỹ. Trung Quốc cũng khẳng định họ đã minh bạch và công khai về dịch COVID-19.
Hiện nay, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Nếu Mỹ tài trợ tương đương với mức đóng góp của Trung Quốc, như thông tin của đài Fox, mức tài trợ mới của Mỹ sẽ bằng khoảng 1/10 số tiền tài trợ trước đó của họ, khoảng 400 triệu USD/năm.
Động thái của Mỹ đưa ra trong thời điểm COVID-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp ở nhiều nước và có thể vẫn còn tiếp diễn. Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành WHO trong cuộc họp báo tại trụ sở của tổ chức này tại Geneva, Thuỵ Sỹ, cho biết Virus SARS CoV-2 có thể sẽ trở thành một virus tồn tại mãi với con người, như virus HIV xuất hiện cách đây hơn 30 năm.
WHO cảnh báo Virus SARS CoV-2 có thể sẽ trở thành một virus tồn tại mãi với con người. Ảnh: AP |
“Virus SARS CoV-2 này có thể sẽ trở thành một loại virus mãn tính trong cộng đồng chúng ta và sẽ không bao giờ biến mất. Virus HIV cũng không biến mất nhưng chúng ta đã hiểu biết về nó và đã tìm ra các phương pháp điều trị, các biện pháp phòng ngừa và mọi người không còn cảm thấy sợ hãi như trước kia. Tôi không muốn so sánh hai loại dịch bệnh, nhưng điều quan trọng là phải thực tế. Tôi nghĩ không có ai và có cách nào dự đoán được khi nào thì dịch bệnh này sẽ biến mất”, ông Mike Ryan chia sẻ.
Đối với diễn biến của đại dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới, WHO tiếp tục phát đi cảnh báo kêu gọi các nước vô cùng thận trọng khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đồng thời nhận định mức độ rủi ro của COVID-19 hiện nay vẫn là rất cao ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.
Giám đốc điều hành WHO, Mike Ryan cũng đánh giá, nếu các nước phải ứng phó với một đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19 thì hậu quả sẽ lớn hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vì khi đó sẽ kéo theo vòng xoáy khủng hoảng y tế, kinh tế trầm trọng hơn.
Hiện tại, hầu như tất cả các quốc gia đều đang gỡ bỏ toàn bộ hoặc từng phần các lệnh phong toả để khởi động lại kinh tế, dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, đặc biệt tại các nước châu Âu, Nga và Mỹ.