Mỹ khẳng định vị thế tại châu Á qua chuyến thăm của phó tổng thống Joe Biden
Thúc đẩy quan hệ thương mại với Ấn Độ
Trong 4 ngày ở thăm Ấn Độ từ 22 - 25/7, ông Joe Biden đã có các cuộc hội đàm và gặp gỡ với Thủ tướng Manmohan Singh, tổng thống Pranab Mukherjee, phó tổng thống Hamid Ansari, chủ tịch liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền Sonia Gandhi và lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện Sushma Swaraj.
Dù không phải đồng minh truyền thống nhưng chuyến thăm của một phó tổng thống Mỹ sau gần 30 năm đến Ấn Độ đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, việc thúc đẩy quan hệ thương mại cũng như giải quyết những rào cản còn tồn tại hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của các công ty Mỹ khi đầu tư vào thị trường Ấn Độ. Đây cũng là một trong những nội dung ưu tiên trên bàn nghị sự của phó tổng thống J.Biden và Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh.
Cụ thể gần đây nhất, trong năm 2013, tranh chấp thương mại quan Mỹ - Ấn đã nóng lên sau khi một nhóm các công ty dược phẩm hàng đầu của Mỹ phản đối việc các công ty sản xuất dược phẩm Ấn Độ từ chối bảo hộ sáng chế với các loại thuốc do Mỹ bào chế.
Cùng với đó, một loạt những trở ngại trong triển khai thực hiện Hiệp định hạt nhân dân sự mà hai nước thông qua năm 2008 cũng là chủ đề nóng được hai bên quan tâm.
Việc Ấn Độ quy định các công ty hạt nhân nước ngoài hoạt động tại nước này phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố được cho là rào cản khiến các công ty nước ngoài không thể thành lập được nhà máy hạt nhân tại đây.
Trong khi thừa nhận sự khác biệt giữa 2 quốc gia, ông Biden nhấn mạnh: “Vẫn còn một khoảng cách giữa những gì chúng ta đang làm với những gì chúng ta có khả năng thực hiện”.
Ông Biden cho rằng “bảo hộ sở hữu trí tuệ, hạn chế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, chính sách thuế không nhất quán, rào cản trong tiếp cận thị trường là những vấn đề khó khăn” trong việc hợp tác thương mại Mỹ-Ấn.
Mỹ cũng đánh giá Ấn Độ là đối tác quan trọng trong tiến trình tái thiết tại Afghanistan khi New Delhi dành các khoản viện trợ lên tới 2 tỷ USD cho quốc gia này.
Ông Biden kêu gọi New Delhi cần đóng vai trò tích cực hơn trong đào tạo các lực lượng an ninh cho Afghanistan trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh khác trong NATO sẽ rút lực lượng chiến đấu khỏi nước này vào năm 2014.
Phó tổng thống Biden khẳng định Mỹ "muốn làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược về các vấn đề toàn cầu cũng như khu vực". Ông nhấn mạnh: "Ấn Độ là một phần không thể thiếu của chiến lược tái cân bằng của chúng tôi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Ông Biden cũng cho rằng cả Ấn Độ và Mỹ có “lợi ích cốt lõi trong việc duy trì an ninh của các tuyến đường biển, tự do hàng hải từ biển Đông đến Ấn Độ Dương”. Ông Biden tuyên bố cả Washington và New Delhi phải “có mối quan hệ phù hợp với Trung Quốc” và cũng không quên nhắc nhở rằng “Mỹ và Ấn Độ đã xây dựng mối đối thoại ba bên gần gũi với Nhật Bản”.
Chia sẻ quan điểm về an ninh khu vực với Singapore
Sau 4 ngày ở Ấn Độ, ông Biden tiếp tục tới đảo quốc sư tử Singapore. Với vị thế và tiếng nói đặc biệt quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác với Singapore cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho Washington trong chiến lược tái khẳng định vị thế tại khu vực.
Cùng với quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long và Phó Tổng thống Joe Biden được giới phân tích đánh giá như tiếp thêm "lửa" cho nỗ lực đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
(Ảnh: Reuters)
Đối với việc hướng tới thành lập một khu vực tự do thương mại chiếm tới 40% GDP của toàn thế giới, ông Biden nhận định TPP không phải chỉ là một tham vọng mà là điều có thể thực hiện được, đồng thời cam kết nỗ lực nhằm hoàn tất đàm phán TPP trong năm 2013.
Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Singapore là tổng thống Tony Tan Keng Yam, thủ tướng Lý Hiển Long và cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, phó tổng thống Mỹ cũng không quên đề cập đến tình hình Biển Đông và nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington đang thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), một tuyến hàng hải quốc tế rất lớn và vô cùng quan trọng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Biden nói: “ Chúng tôi đang làm mọi thứ để thúc đẩy thực hiện đàm phán COC và nó phải được thực hiện. Đó là mối quan tâm của tất cả các bên bao gồm Trung Quốc, muốn được như vậy phải thông qua đàm phán”.
Tại Singapore, ngoài các cuộc họp với lãnh đạo của nước chủ nhà, ông Biden cũng gặp gỡ và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người cũng đến thăm Singapore trong chuyến công du Đông Nam Á.
Trong cuộc hội đàm, hai lãnh đạo cùng chia sẻ quan điểm rằng liên minh Mỹ - Nhật đóng vai trò trung tâm trong hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố sau cuộc gặp, báo chí Mỹ cho biết, phó tổng thống đã tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với biển Hoa Đông, trong đó có những cam kết với đồng minh Nhật Bản là không hề thay đổi. Ông Biden cũng nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng tất cả các bên nên có những bước tiến để giảm căng thẳng và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Trước khi rời đảo quốc sư tử, trong bài phát biểu với các quân nhân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ tại Singapore trên tàu tuần duyên USS Fredom, ông Biden nói: “Tôi khẳng định rằng chúng ta là cường quốc Thái Bình Dương và chúng ta sẽ luôn duy trì vị thế này”.
Việc phó tổng thống J.Biden chọn Ấn Độ và Singapore làm điểm đến trong chuyến công du này một lần nữa cho thấy chiến lược ngoại giao của Mỹ. Trong đó, thông điệp mạnh mẽ nhất của Washington là tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch tái cân bằng chính sách đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà Ấn Độ và Singapore là hai mắt xích quan trọng.
Nguồn VOV