Thứ Tư | 09/10/2013 11:01

Mỹ: Hai đảng đổ lỗi cho nhau về đóng cửa chính phủ

Ông Obama vừa chỉ trích phe cực hữu trong đảng Cộng hòa, vừa tuyên bố sẽ nhượng bộ, nhưng không thương lượng về ngân sách.
Ngày 8/10, ngày thứ tám các công sở liên bang bị đóng cửa, Tổng thống Barack Obama một mặt tiếp tục chỉ trích lực lượng cực hữu trong đảng Cộng hòa, mặt khác tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ, nhưng không thương lượng về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 và trần nợ quốc gia.

Phát biểu trong cuộc họp báo kéo dài một tiếng đồng hồ tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama một lần nữa kết tội các nhà lập pháp cực hữu của đảng Cộng hòa, cụ thể là các nghị sỹ đảng Trà (Tea Party), về tội bắt nước Mỹ làm con tin cho những toan tính lợi ích cục bộ đảng phái.

Ông Obama cho rằng nước Mỹ, với tư cách là siêu cường thế giới, không thể để cho một nhóm các thành viên Quốc hội thiếu trách nhiệm gây cản trở dẫn tới việc đóng cửa công sở liên bang, có nguy cơ gây ra một thảm họa cho toàn bộ nền kinh tế. Tổng thống cảnh báo việc nước Mỹ vỡ nợ sẽ "tồi tệ hơn nhiều" tình trạng đóng cửa của chính phủ hiện tại.

Ông chủ Nhà Trắng ngỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, chứ không thương lượng về kế hoạch chi tiêu ngân sách và tăng trần nợ quốc gia sắp tới hạn 16.700 tỷ USD vào ngày 17/10. Tổng thống Obama tuyên bố sẽ chỉ làm việc này khi nhóm cực hữu trong đảng Cộng hòa chấm dứt ép Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ John Boehner trong những vần đề đe dọa nền kinh tế Mỹ.

Ngay lập tức, Chủ tịch Hạ viện Boehner đã lên tiếng phản công, mô tả lập trường của Tổng thống Obama là "không nhất quán." Ông Boehner cho rằng những gì ông Obama vừa nói ra không khác gì việc ép phe Cộng hòa phải đầu hàng vô điều kiện để đàm phán. Theo vị Hạ nghị sỹ chóp bu này, cách đặt vấn đề của Tổng thống Obama không phải cách làm việc của một chính phủ có trách nhiệm. Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi các đồng nghiệp của đảng Dân chủ hãy chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Những lời cáo buộc, đổ lỗi cho nhau trên đây được đưa ra khi phe Cộng hòa tại Hạ viện đề nghị thành lập một nhóm các nhà lập pháp của hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội để ngay lập tức bắt tay vào việc thương lượng một giải pháp có tính nhượng bộ lẫn nhau về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, tăng trần nợ quốc gia và các vấn đề tài chính khác. Phe Dân chủ ngay lập tức bày tỏ quan điểm hoài nghi về đề xuất này.

Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Xavier Becerra cho rằng việc thành lập một "siêu ủy ban mới" như đề xuất của phe Cộng hòa cũng khó có thể mang lại kế quả, trong bối cảnh phe Cộng hòa nhất quyết đòi phải cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước Mỹ sẽ mất quyền vay nợ, kinh tế Mỹ có thể phải hứng chịu một thảm họa nếu đến ngày 17/10, trần nợ quốc gia 16.700 tỷ USD tới hạn mà Quốc hội không tăng thêm.

Ngày 7/10, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đồng thời là cũng là hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ (Trung Quốc và Nhật Bản) đã cùng lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc công sở chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa kéo dài cũng như việc Quốc hội Mỹ không thông qua việc nâng mức trần nợ công, đẩy nước Mỹ vào tình trạng vỡ nợ.

Các nhà lãnh đạo tài chính của Nhật Bản và Trung Quốc nói rằng cuộc tranh cãi trong chính trường Washington có nguy cơ tác động mạnh tới các khoản đầu tư khổng lồ của hai nước này vào thị trường trái phiếu của Mỹ, từ đó sẽ gây ra những tổn hại đối với kinh tế của hai nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với 1.277 tỷ USD, tiếp đó là Nhật Bản 1.135 tỷ USD. Trung Quốc và Nhật Bản đều có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Mỹ, do vậy mọi tác động đối với đồng USD đều gây phương hại tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của hai nước.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện