Thứ Hai | 24/09/2012 15:04

Mỹ giành lại lợi thế sản xuất sau hơn 1 thập kỷ

Bốn năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Mỹ hiện đang giành lại vị thế là một trong những nhà sản xuất được ưa chuộng nhất.
Trong chiến dịch tranh cử giành chiếc ghế Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ 2, tổng thống Mỹ Barack Obama đã thuyết phục cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi.

"Sau nhiều năm kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh, giờ đây Mỹ đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp ở các nước như Trung Quốc trở về hoạt động trong nước", tổng thống Obama cho biết.

"Công nhân Mỹ đang ngày càng làm việc hiệu quả và các doanh nghiệp ngày càng tăng tính cạnh tranh. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu trở về nước".

Theo kết quả của cuộc khảo sát do Hãng tư vấn Boston (BCG) thực hiện đối với 106 doanh nghiệp, 48% giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp có doanh thu từ 10 tỷ USD trở lên cho biết họ có kế hoạch hoặc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ.

"Các doanh nghiệp nhận ra rằng Mỹ đang ưu tiên phát triển ngành sản xuất nhằm phục vụ mục đích phân phối hàng hóa cho thị trường trong nước cũng như các thị trường xuất khẩu lớn", ông Harold Sirkin, đối tác cao cấp của BCG cho biết.

BCG cũng cho rằng khả năng cạnh tranh ngày càng cao của Mỹ và chi phí tăng cao ở Trung Quốc sẽ giúp Mỹ thu về thêm 2-3 triệu việc làm trong nhiều ngành công nghiệp, và thu thêm 100 tỷ USD trong thời gian 10 năm tới.

Xu hướng các doanh nghiệp trở về nước hiện nay hoàn toàn trái ngược với một thập kỷ trước, khi các doanh nghiệp Mỹ đổ xô vào thị trường Trung Quốc và biến nơi đây thành “công xưởng của thế giới”.

Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc nhưng nguyên nhân chính vẫn là do lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc ngày càng giảm, trong đó chi phí nhân công và chi phí vận tải tăng cao.

Khảo sát của BCG thực hiện hồi tháng 2 cho thấy 92% người giám đốc doanh nghiệp cho biết họ tin chi phí lao động, sản xuất ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, và 70% trong số họ đồng ý rằng “thuê sản xuất ở Trung Quốc tốn kém hơn họ tưởng”.

Bên cạnh đó, việc sản xuất ở Mỹ sẽ tiết kiệm hơn từ 2% đến 5% thời gian. Hơn nữa nếu ở Trung Quốc, việc gia công phần mềm sẽ gặp rắc rối do chi phí phát sinh không thể kê khai trên bất kỳ báo cáo nào.

Một vài công ty của Mỹ đã có hành động cụ thể như tập đoàn Whirlpool có trụ sở ở Michigan, nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới với doanh thu năm ngoái đạt 19 tỷ USD, đã đưa nhà máy sản xuất quay trở lại Mỹ.

Jeff Fettig, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của công ty cho biết để thực hiện cam kết sản xuất ở Mỹ và phục vụ nhu cầu của khách hàng địa phương, Whirlpool quyết định mang một số dây chuyền sản xuất quay lại Mỹ.

Trong khi đó, cả tổng thống Obama và đối thủ của đảng Cộng hòa Mitt Romney đều đang nhằm vào Trung Quốc trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 6/11 tới.

Chính quyền tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) do đánh thuế ô tô để đảm bảo cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ được cạnh tranh trên một sân chơi công bằng.

Còn về phần mình, ứng cử viên Mitt Romney cho biết sẽ thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc nếu ông đắc cử, bao gồm cả vấn đề Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ của mình nhằm giành lợi thế trong xuất khẩu.

Nguồn AFP/Khampha


Sự kiện