Thứ Hai | 11/03/2013 19:20

Mỹ giảm lo ngại về đồng nhân dân tệ Trung Quốc

Sau nhiều năm là tâm điểm của mối quan hệ kinh tế Mỹ -Trung Quốc, giờ đây mối lo của Mỹ về đồng nhân dân tệ đã nhạt dần.
Theo Reuters, một số nhà lập pháp tiếp tục tranh cãi việc đồng nhân dân tệ yếu đang cướp đi công ăn việc làm của Mỹ. Tuy nhiên, hành động buộc Trung Quốc thay đổi là điều không thể và vấn đề đó có thể vẫn còn được bàn tiếp miễn là kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện.

Đồng nhân dân tệ tăng giá, thặng dư thương mại của Trung Quốc và chi phí lao động tăng làm cho sản phẩm của Trung Quốc ít cạnh tranh hơn, trong khi thị trường việc làm ở Mỹ vẫn tăng trưởng.

Vào thời điểm đó, Mỹ phải đối mặt với cơn giận dữ từ các nước khác vì chính sách nới lỏng tiền tệ bị chỉ trích vì tìm cách giảm giá đồng đô la. Việc này khiến Washington không tránh khỏi bị chỉ trích giống như Trung Quốc.

"Chế độ tiền tệ của Trung Quốc không còn là điểm điểm nổi bật trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung", ông Eswar Prasad, cựu quan chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết.

Theo ông Prasad, chính quyền Mỹ chuyển sự chú ý đến vấn đề tăng cường tiếp cận thị trường cho các công ty sản xuất của Mỹ, các tổ chức tài chính muốn hoạt động ở Trung Quốc và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn.

Trong những năm gần đây, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều thông qua các dự luật để tổng thống Obama có được những công cụ mới nhằm thúc đẩy Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ hơn nữa. Tuy nhiên, chưa có dự luật nào có thể trở thành đạo luật chính thức. Nỗ lực mới nhất bị chặn đứng bởi người phát ngôn của Thượng viện John Boehner – người cho rằng động thái trên sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Những vấn đề về ngân sách của chính nước Mỹ cũng khiến Trung Quốc và đồng nhân dân tệ không còn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất, ông Nicholas Lardy - chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Lardy nói: "Tôi hy vọng lý do quan trọng nhất là việc Trung Quốc cho đồng nhân dân tệ tăng giá khá mạnh và quan trọng hơn là thặng dư thương mại giảm đáng kể ".

Kể từ giữa năm 2010, đồng nhân dân tệ tăng 16% so với đồng USD, theo Bộ Tài chính Mỹ. Đồng thời, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm từ mức đỉnh 10,1% năm 2007 xuống 2,6% năm 2012. Điều này khiến cho Washington khó có thể cho rằng nhân dân tệ được định giá quá thấp, ngay cả khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên mức kỷ lục 315 tỷ USD vào năm ngoái.

Phillip Swagel, cựu quan chức Bộ Tài chính, cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ khác thường của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một yếu tố gây khó khăn cho Washington trong việc chỉ trích Bắc Kinh.

Theo báo cáo được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2012 của IMF, đồng nhân dân tệ được định giá thấp từ 5% đến 10%, thấp hơn nhiều so với con số 25% đến 40% được đưa ra bởi các nhà lập pháp trong nhiều năm qua.

Những người chỉ trích nói rằng đó là một ý kiến mang tính chính trị bởi giờ đây Trung Quốc có tiếng nói mạnh mẽ với IMF. Nhưng kể từ đó, đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng so với USD và tuần trước, các quan chức cấp cao Trung Quốc hứa cải cách hơn nữa để tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.

Nhìn chung, kể từ năm 2005 khi bắt tay vào thực hiện cải cách tiền tệ, đồng nhân dân tệ đã tăng 31,6% đối với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn, theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn nắm giữ hàng nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, mua bằng số tiền thu được từ hoạt động xuất khẩu, dù lượng mua vào hiện đã giảm.

Nguồn Bloomberg


Sự kiện