Chủ Nhật | 08/04/2012 13:10

Mỹ được gì từ dỡ bỏ cấm vận Myanmar?

Mỹ đang tự tạo cơ hội để tiếp cận một trong những nguồn năng lượng lớn nhất thế giới thông qua việc dỡ bỏ cấm vận Myanmar.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho biết Mỹ chuẩn bị lập đại sứ quán đầy đủ tại Myanmar, và thiết lập một văn phòng bảo trợ ở nước này. Mỹ cũng bắt đầu dỡ bỏ những lệnh cấm vận trong suốt thời gian qua hạn chế hoạt động xuất khẩu dịch vụ tài chính và đầu tư của Mỹ vào Myanmar.

Những động thái này diễn ra sau chiến thắng tuyệt đối của bà Aung San SuuKyi và Đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tại Myanmar.

Việc dần dần dỡ bỏ lệnh cấm vận có rất nhiều ý nghĩa đối với Mỹ vì Myanmar có nguồn cung dầu lửa, khí đốt và gỗ dồi dào.

Lệnh cấm vận khiến doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt

Vừa qua Myanmar đã cho đấu thầu 10 điểm khai thác dầu và khí đốt trên bờ nhưng các công ty của Mỹ không thể tham gia do lệnh cấm vận của Mỹ với nước này. Theo số liệu đã được kiểm chứng, đến cuối năm 2010, Myanmar sở hữu khoảng 11,8 nghìn tỷ mét khối khí đốt tại các mỏ và đã được khai thác bởi những người khổng lồ đang cần năng lượng như Trung Quốc và Ấn Độ. 

Myanmar cũng đươc cho là có vai trò chiến lược quan trọng bởi vì chính quyền Tổng thống Barack Obama đang xem khu vực châu Á – Thái Bình Dương như một ưu tiên chiến lược. Cũng theo chuyên gia Myanmar David Steinberg cuộc chuyển đổi dân chủ của Myanmar có thể coi là thành quả duy nhất trong quan hệ nước ngoài của chính quyền Obama ở châu Á.

Myanmar ở trong tầm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư. Chuyên gia đầu tư Jim Rogers cho biết càng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào cơ hội kinh doanh ở Myanmar. Ông Rogers từng nói, những người đầu tư vào nước này sẽ trở nên giàu có trong vòng 20 đến 40 năm nữa và mỉa mai thêm rằng ông không may mắn đến từ vùng đất tự do và việc đầu tư vào Myanmar được cho là bất hợp pháp ở vùng đất tự do này.

Lệnh cấm vận của Mỹ không giúp ích gì cho nước này. Trái lại, Mỹ đã tự làm tổn hại lợi ích kinh tế của mình để cho các nước châu Á như Trung Quốc tự do khai thác tài nguyên của Myanmar mà không phải chịu sự cạnh tranh từ phương Tây. Myanmar sở hữu nguồn tài nguyền dồi dào như gỗ, dầu và khí đốt, ngọc bích và có nguồn nhân công chi phí thấp.

Trong cuộc đấu giá khối dầu nhắc đến ở trên, công ty Ấn Độ Jubliant Energy đã giành quyền khai thác một lô dầu và dự định đầu tư 70-80 triệu USD vào khai thác lô dầu này, trong khi tiếp tục đàm phán để giành quyền khai thác lô dầu khác.

Vì các nước phương Tây vẫn bị cản trở bởi những lệnh cấm vận lên Myanmar nên quyền khai thác hầu hết các lô dầu đều về tay các công ty châu Á. Tuy nhiên một giáo sư kinh tế của Viện nghiên cứu toàn cầu về Đông Nam Á lạc quan cho rằng mặc dù các nhà đầu tư phương Tây và công ty năng lượng đã không kịp cạnh tranh để giành được 10 lô dầu và khí đốt kể trên, sẽ còn rất nhiều khu vực giàu tài nguyên khác ở Myanmar để họ đầu tư khi những lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ.

Các công ty của Mỹ đã tiến hành thăm dò Myanmar để chuẩn bị sẵn sàng đầu tư và tham gia vào quá trình phát triển kinh tế của Myanmar. Tương tự như vậy, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Na Uy, Đan Mạch và nhiều nước khác bao gồm cả các nước Đông Nam Á và châu Á nói riêng cũng đã gửi công ty của họ đến Myanmar để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế Myanmar trong tương lai?

Tổng thống Obama đã phát biểu rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng trở thành ưu tiên của Mỹ. Mỹ thể hiện sự quan tâm của mình với Myanmar ở nhiều khía cạnh mà chính nước này cũng chưa thể tuyên bố rõ ràng. Nếu như công cuộc cải tổ được tiếp diễn, chính quyền Obama sẽ tiếp tục dựa vào thành công duy nhất này của họ ở Myanmar để tuyên bố rằng họ cũng đã góp phần vào thay đổi ở Triều Tiên, Iran, Palestine.

Nhưng việc một chính phủ dân sự có thể quản lý nền kinh tế được hay không còn chưa rõ ràng. Những số liệu GDP của Myanmar hoàn toàn không đáng tin cậy, lạm phát ở mức cao và cơ sở hạ tầng vẫn còn rất sơ sài. Một cuộc bầu cử công bằng vào tháng 4 và các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu được gỡ bỏ chưa thể ngăn cản hoàn toàn việc quân đội can thiệp vào nền kinh tế.

Giáo sư kinh tế ở trên cũng đã chỉ ra quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát ba cơ quan quan trọng của nước này. Thứ nhất là Bộ Quốc Phòng, cơ quan này không chỉ kiểm soát lực lượng vũ trang, hải quân, không quân mà còn quản lý việc sản xuất hàng hóa cho mục đích quân sự và dân sự. Thứ hai là Liên minh các thành phần kinh tế, tổ chức điều hành việc buôn bán đá quý, ngân hàng và xây dựng, trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh. Thứ ba là Tập đoàn kinh tế Myanmar, điều hành các hoạt động kinh tế từ du lịch, thương mại đến kinh doanh xăng dầu và khí tự nhiên.

Việc quân đội có thể kiểm soát lượng tiêu thụ hàng hóa của mình có nghĩa là họ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hướng phát triển của nền kinh tế. Quân đội đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội.

Nguồn Businessinsider/DVT


Sự kiện