Các nhà đàm phán chủ chốt của Mỹ, ông Robert Lighthizer (bìa trái) và ông steven Mnuchin (bìa phải), và ông Lưu Hạc (giữa). Ảnh: Sourcing Journal.
Mỹ đề ra thời hạn tới năm 2025 để Trung Quốc tuân thủ cam kết thương mại?
Bloomberg dẫn nguồn tin am hiểu cho hay, thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đang được phác thảo sẽ cho Bắc Kinh thời gian đến 2025 để đáp ứng các cam kết về việc mua hàng hóa và cho phép các công ty 100% vốn của Mỹ hoạt động ở quốc gia châu Á này.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Washington, nơi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt đầu các cuộc họp với đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào ngày 4.4.
Mục tiêu trong vài ngày tới là đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tổ chức một buổi lễ ký một thỏa thuận.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow, thể hiện sự lạc quan về những tiến triển trong quá trình đàm phán, nhưng lưu ý rằng triển vọng về một thỏa thuận cuối cùng chấm dứt chiến tranh thương mại vẫn chưa rõ ràng.
Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết theo thỏa thuận được đề xuất, Trung Quốc cam kết mốc thời gian tới năm 2025 nước này sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm đậu nành và các sản phẩm năng lượng và cho phép các công ty 100% vốn của Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Đây được xem như là một cam kết ràng buộc để Mỹ có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc không được thực thị nghiêm túc thỏa thuận.
Theo Bloomberg, khung thời gian giới hạn đã nêu ở trên đặt ra câu hỏi về việc một thỏa thuận sẽ định hình lại mối quan hệ kinh tế dài hạn này như thế nào. Hay đơn giản đây chỉ là một chiến thắng chính trị cho ông Trump, để ông có thể tái đắc cử nhiệm kỳ tới. Dù rằng đàm phán đã đạt tiến triển, việc giải quyết các vấn đề gây tranh cãi như tập trung chuyển giao công nghệ thì sẽ cần nhiều thời gian đàm phán hơn.
Cam kết mua hàng
Nhà Trắng đặc biệt tập trung vào các cam kết mua hàng cho tới quý II năm 2020 trong nỗ lực thu hẹp cán cân thương mại trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 419,2 tỷ USD vào năm 2018. Lighthizer đã nói về vấn đề cơ bản trong các cuộc đàm phán rằng hai bên vẫn đang mặc cả về cách thực thi thỏa thuận.
Trong buổi tường trình trước Quốc hội Mỹ vào tháng 2, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump nói rằng Mỹ muốn có quyền lực hành động đơn phương, hành động “tương xứng” chống lại Trung Quốc nếu nước này không tuân thủ các quy tắc. Bloomberg trích lời một người am hiểu văn bản đàm phán cho biết cho đến nay Trung Quốc chỉ dự định là không trả đũa nếu Mỹ có hành động chống lại Bắc Kinh, nhưng lại không muốn thực hiện một cam kết chính thức về việc này.
Câu hỏi về việc áp thuế quan
Một trong những vấn đề cuối cùng là liên quan đến các mức thuế mà hai bên đã áp lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa của nhau trong 9 tháng qua. Ông Trump đã gợi ý rằng ít nhất một số mức thuế sẽ được giữ nguyên. Theo phía Mỹ, điều này là cần thiết trong một khoảng thời gian dài để đảm bảo Bắc Kinh thực thi thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thảo luận về thời điểm hai nhà lãnh đạo có thể ngồi xuống ký kết thỏa thuận thương mại. Một cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể được công bố sớm nhất vào ngày 4.4, Bloomberg dẫn nguồn tin am hiểu cho hay. Sau khi các quan chức Trung quốc thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington, Trung Quốc đã từ chối cuộc họp trên đất Mỹ và mong muốn gặp nhau ở một nước thứ ba trung lập.
Trong khi các quan chức Nhà Trắng bày tỏ sự lạc quan trong những ngày gần đây về việc chốt lại một thỏa thuận trong tương lai gần, việc Mỹ quyết định bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan có thể ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán trong tuần này cũng như bất kỳ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung nào, Bloomberg nhận định.
Sự nhạy cảm về vấn đề địa chính trị trong việc bán hàng nhiều khả năng chỉ được nêu ra khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau và không nằm trong các cuộc đàm phán thương mại do ông Lighthizer dẫn đầu.