Thứ Bảy | 05/01/2013 12:26

Mỹ đang trở thành châu Âu thứ 2

Những tranh cãi không hồi kết giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về ngân sách đang biến nước Mỹ trở thành một châu Âu thứ 2.
Trong suốt 3 năm qua, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn duy trì cái nhìn gần như khinh miệt đối với cách thức quản lý cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) của châu Âu. Cả Nhà Trắng và Quốc hội My đều tỏ ra nghi ngờ các chính trị gia châu Âu có đủ khả năng xử lý một vấn đề kinh tế, hay đủ can đảm để đưa ra những quyết định hoặc sửa đổi vào phút chót. Do đó, trong con mắt của Washington, châu Âu không có khả năng đồng thuận đối với một chiến lược dài hạn cho khối đồng tiền chung duy nhất.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ, và vào lúc này các chính trị gia nước Mỹ có thể nhận thấy họ không còn đủ tư cách để giữ con mắt khinh miệt đó với châu Âu. Kinh tế Mỹ có thể không trong tình trạng nguy kịch như của châu Âu, song sai lầm của các chính trị gia Washington - thể hiện qua thỏa thuận kéo dài 11 giờ đồng hồ nhằm tránh các tai họa do "bờ vực tài khóa" gây ra - cho thấy những rối loạn trong mô hình chính trị Mỹ cũng phần nào tương tự như của eurozone. Sự tương tự đó được thể hiện qua 3 đặc điểm.

1. Trì hoãn không đáng có

Cuộc khủng hoảng khu vực eurozone trở nên nghiêm trọng hơn là do các chính trị gia châu Âu liên tiếp thất bại trong việc giải quyết những điểm yếu trong cơ cấu của khối. Điều này buộc eurozone phải sử dụng một loạt các bản "vá lỗi" tạm thời, và những bản vá này chỉ đến sau các cuộc họp khẩn cấp lúc nửa đêm của các chính trị gia.

Những vấn đề của Mỹ thì hoàn toàn khác. Thay vì phải đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng nợ sắp tới, điều duy nhất nước Mỹ cần đối phó là khoảng trống cực lớn trong dài hạn do chệnh lệch giữa doanh thu thuế và những lời hứa hẹn chi tiêu, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, gây ra trong khi không thể thúc ép nền kinh tế quá nhiều trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ lại tỏ ra khá thích thú với việc "đá lon xuống cuối đường" - câu thành ngữ ám chỉ trì hoãn việc làm mà đáng lẽ phải được thực hiện ngay lập tức - vào phút chót.

Thỏa thuận trong tuần này, được các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Nhà Trắng đưa ra đúng đêm giao thừa 2013, và được Thượng viện và Hạ viện thông qua trong những giờ đầu tiên của năm mới, đã giúp giải tỏa phần nào nỗi lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Thỏa thuận cũng loại bỏ hầu hết dự luật tăng thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1, ngoại trừ các khoản tăng thuế áp dụng cho giới giàu, và tạm thời ngừng mọi khoản cắt giảm chi tiêu.

Giống như nhiều hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng của châu Âu, các thị trường đã phục hồi nhẹ sau thỏa thuận mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Trong bao lâu? Chương trình cắt giảm chi tiêu đã bị trì hoãn trong 2 tháng, trong khi đó Quốc hội Mỹ còn một thử thách khác ở phía trước đó là bỏ phiếu nâng trần nợ. Như vậy, cuộc chiến ngân sách Mỹ sẽ vẫn còn tiếp diễn trong những tuần tới.

2. Ảnh hưởng nặng nề bởi lợi ích nhóm

Có thể nói, bản thỏa thuận ngân sách trong tuần qua của Mỹ không có bất cứ điều khoản nào nhằm kiểm soát sự thiếu bền vững trong các khoản chi tiêu cho lương hưu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe (ước tính có thể sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm tới); nó cũng không hề đề cập đến việc phải hợp lý hóa bộ luật thuế phức tạp và biến dạng của nước Mỹ, cũng như không thể chấm dứt khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ mà nước Mỹ đang phải gánh.

Bản thỏa thuận là thứ duy nhất mà các chính trị gia Mỹ làm được trong hai tháng qua, và sẽ không ngoa khi gọi đây là một "thất bại thảm hại" của Washington.

Lý do đằng sau sự thất bại cay đắng này không đâu khác chính là tư tưởng nhóm lợi ích hẹp hòi của những người trong cuộc - và đó cũng chính là đặc điểm thứ 2 khiến nước Mỹ trở nên giống với châu Âu ở thời điểm hiện tại. Nếu châu Âu bất lực trong việc vượt ra khỏi những lợi ích nhỏ nhặt của từng quốc gia, thì ở Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ chăm chăm giữ lấy mối lợi của mình và không chấp nhận nhượng bộ đối phương bất chấp tương lai tài chính của đất nước.

Ngoài ra, cũng giống các chính khách châu Âu, các chính trị gia Mỹ cũng thất bại trong việc công khai sự thật với cử tri. Ở châu Âu, thủ tướng Angela Merkel và tổng thống Francois Hollande cố giấu diếm người dân Đức và Pháp về cái giá thật sự phải trả để cứu eurozone, thì ở Mỹ, tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa cũng không đủ can đảm để công khai cái giá phải trả để sửa chữa nền tài chính. Đảng Dân chủ thì khư khư ý tưởng không cần phải thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe hoặc an sinh xã hội, trong khi đảng Cộng hòa thì coi tăng thuế là một hình thức của chủ nghĩa xã hội. Bên nọ đả kích bên kia và kết quả là mọi thứ rơi vào bế tắc.

3. An tâm hôm nay, lo ngại ngày mai

Những người theo chủ nghĩa lạc quan sẽ cho rằng nước Mỹ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ kiểu châu Âu trong tương lai gần, song thực tế sau đó lại là một cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Một phản ứng phụ tích cực của cuộc khủng hoảng ở châu Âu đó là các nước buộc phải nâng tuổi nghỉ hưu, hợp lý hóa lương hưu và những hứa hẹn về dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nước Mỹ lại hoàn toàn thờ ơ trước những hậu quả tài chính do tình trạng lão hóa dân số mang lại. Mặc dù tốc độ già hóa dân số chậm hơn so với châu Âu, song với núi nợ đang đè nặng lên niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, một cuộc khủng hoảng nếu nổ ra sẽ tàn khốc hơn rất nhiều so với ở lục địa già.

Điều đáng buồn nhất trong thỏa thuận tuần này đó là việc tổng thống Obama và chủ tịch Boehner cố tình làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà tinh thần đảng phái nhỏ mọn của họ đang gây ra cho nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng eurozone đã phá hủy vị thế của châu Âu trên trường quốc tế, và nếu Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự, liệu niềm tin của các nước phát triển vào khả năng lãnh đạo của nước Mỹ có còn được như trước kia khi chính họ cũng không thể giải quyết được vấn đề trong nước? Trong khi các phương Tây vẫn chìm đắm trong những tranh cãi vô tận, Trung Quốc và các nền kinh tế khác vẫn đang bứt tốc và tiến về phía trước.

Nguồn Economist/Khampha


Sự kiện