Mỹ đang "nhường sân chơi" cho Trung Quốc
→Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Vừa đánh, vừa nhìn
→Động thái mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Làm đảo lộn trật tự thương mại thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây hoang mang trong hàng ngũ các đồng minh thân thiết nhất của Washington nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề chính là thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc.
Trung Quốc đang chiếm ưu thế
Mở màn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tháng 3/2018, ông Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Khi một quốc gia là Mỹ, mất hàng tỷ USD với mỗi đối tác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thành công”.
Tiếp theo đó là các đòn "vừa dụ, vừa dọa", là cuộc khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bắc Kinh: Nhà Trắng đòi phạt 60 tỷ USD nhắm vào hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, Trung Quốc dọa lại sẽ phạt 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Nhưng đó vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng. Gần ba tháng sau, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc "đình chỉ chiến tranh thương mại" sau nhiều thiện chí của Bắc Kinh. Cụ thể: Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn (nhưng không nói rõ là bao nhiêu), cải tổ hệ thống thuế quan để hàng Mỹ dễ dàng thâm nhập vào thị trường châu Á rộng lớn này.
Trong mắt giới quan sát, Bắc Kinh đã cho ông Donald Trump “uống nước đường”, nhượng bộ bề ngoài, nhưng vấn đề cốt lõi dẫn tới tình trạng nhập siêu của Mỹ "vẫn nguyên vẹn". Trong năm 2017, Trung Quốc xuất khẩu 505 tỷ USD hàng hoá sang thị trường Mỹ, nhập vào 130 tỷ USD hàng "Made in USA".
Có 5 lý do để nghĩ rằng Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Thứ nhất, trong tháng 4 vừa qua, phái bộ Mỹ gồm 4 nhân vật cao cấp đã tới Bắc Kinh mà không gặp Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thứ hai, vài ngày trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp các Ủy ban hữu trách của Hạ viện rồi Thượng viện Mỹ và đàm phán với các bộ liên hệ của Mỹ rồi còn gặp ông Trump nhưng vẫn không có nhượng bộ nào.
Thứ ba, Ban Tham mưu của Tổng thống Mỹ có sự bất nhất (hay thiếu thống nhất) giữa xu hướng ôn hoà là tìm giải pháp thỏa hiệp ngắn hạn và xu hướng quyết liệt là đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cơ cấu khiến Bắc Kinh lâm vào thế kẹt mà phải nhượng bộ.
Thứ tư là chính quyền Trump có vẻ thiếu tập trung vào "đối tượng nguy hiểm nhất" là Trung Quốc mà tản lực và gây vấn đề cho các nước đối tác vốn cũng là đồng minh của Mỹ về an ninh.
Sau cùng, phải nói rằng ông Trump có làm bất cứ việc gì thì cũng bị truyền thông Mỹ và châu Âu châu đả kích.
Chiến lược "toàn phương vị"
Theo giới chuyên gia, chiến lược của ông Donald Trump có thể gọi là "toàn phương vị", đánh thập phương tứ hướng và chiến thuật là tối đa, rồi từ đó mới đàm phán và ngã giá.
Vì vậy, khi chính quyền Trump vừa tuyên bố quyết định này hay biện pháp kia thì nhiều doanh nghiệp Mỹ đã "thất kinh" khiến cổ phần sụt giá và thị trường chao đảo. Cho tới nay, Mỹ mới chỉ dọa chứ chưa có quyết định chính thức nào, từ mục 272 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962, hay mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 hoặc một đạo luật mới của quốc hội Mỹ.
Về phần mình, Bắc Kinh hy vọng những tiểu bang "bị vạ lây" (vì phản ứng trả đũa của họ) đều là những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016. Họ biết nước Mỹ nhiều hơn là dân Mỹ hiểu về Trung Quốc, trong khi họ cũng biết rằng nếu không cải cách thì kinh tế và xã hội Trung Quốc cũng sẽ khốn đốn.
Giới chuyên gia đi đến kết luận rằng ông Trump chỉ là "triệu chứng" chứ không phải là "nguyên nhân". Từ 25 năm nay, thế giới có nhiều thay đổi mà các cơ chế thành hình từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II không theo kịp và đang dần bị phá sản.
Những dàn xếp quốc tế hay các cơ chế đa phương không thỏa mãn sự khát khao hay nguyện vọng, thậm chí cả nạn mị dân, của các khuynh hướng quốc gia dân tộc. Hậu quả là dẫn đến một phản ứng đáng sợ: "đèn nhà ai nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ".