Thứ Bảy | 10/08/2013 14:04

Mỹ đã “né” suy thoái kép sau khủng hoảng như thế nào?

Mỹ đã suýt lâm vào một cuộc suy thoái kép sau khủng hoảng mà không hề hay biết. Nếu được áp dụng sớm hơn, cách tính GDP mới sẽ khiến cho nước Mỹ không khỏi "toát mồ hôi".

Theo cách hiểu thông thường, “suy thoái kép” là thời kì kéo dài tối thiểu gồm năm quý, trong đó bao gồm: một giai đoạn suy thoái, kế tiếp là giai đoạn phục hồi ngắn, rồi tiếp tục bằng một giai đoạn suy thoái khác.

Một nền kinh tế được gọi là suy thoái trong một giai đoạn nào đó thì tăng trưởng GDP phải là âm liên tục ít nhất trong hai quý liên tiếp. Như vậy, đường mô tả tốc độ tăng trưởng GDP trong thời kì suy thoái kép có dạng như hình chữ W.

Né suy thoái kép nhờ phương pháp thống kê, thực ra con đường phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã không suôn sẻ như nhiều người vẫn tưởng.
Né suy thoái kép nhờ phương pháp thống kê, thực ra con đường phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã không suôn sẻ như nhiều người vẫn tưởng.

Tạm bỏ qua các chỉ số kinh tế khác, nếu chỉ nhìn vào GDP thực của Mỹ trong thời gian khó khăn đó, mọi người có thể nhận rằng: cú “ngã ngựa” của Mỹ có bớt đau đớn hơn, nhưng lần đứng dậy, “thắng lại dây cương” đã không suôn sẻ như nhiều người vẫn nghĩ.

Sở dĩ phải sử dụng GDP thực vì nếu sử dụng GDP danh nghĩa sẽ không phân biệt được tăng trưởng kinh tế là thành quả của gia tăng sản lượng hay tăng giá.

Thay vào đó, số liệu GDP thực tế sử dụng giá cố định trong năm gốc, nên luôn phản ánh chính xác lượng hàng hóa và dịch vụ thực trong nền kinh tế.

Do đó, GDP thực tế là thước đo tăng trưởng và phúc lợi xã hội tốt hơn GDP danh nghĩa.

Quả thật, nếu chỉ dùng số liệu GDP danh nghĩa, dù đã được tính toán lại theo phương pháp mới thì đường tăng trưởng GDP hậu khủng hoảng (sau năm 2009) là một đường đi lên không gián đoạn. Có vẻ như mọi việc vẫn suôn sẻ. Thậm chí, mọi chuyện còn tốt đẹp hơn vì phương pháp mới còn giúp GDP Mỹ tăng thêm vài điểm phần trăm so với phương pháp cũ.

GDP danh nghĩa chưa phản ánh chính xác tăng trưởng kinh tế Mỹ sau khủng hoảng.

Nhưng sẽ có góc nhìn khác hẳn nếu sử dụng GDP thực tế.

Các dữ liệu sửa đổi theo phương pháp tính GDP mới, mang đến một góc nhìn khác về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu nổ ra ở Mỹ năm 2008 và lan ra toàn cầu. Cuộc khủng hoảng được xem là nghiêm trọng nhất kể từ sau những năm đại suy thoái 1929-1933.

Bảng số liệu dưới đây so sánh số liệu GDP thực theo hai phương pháp cũ và mới trong vòng sáu năm qua (2007-2013). Tuy nhiên, không thể so sánh hai chuỗi dữ liệu cũ và mới một cách trực tiếp. Thứ nhất, vì số liệu cũ lấy giá cố định trong năm 2005 để tính toán, trong khi số liệu mới lấy giá cơ sở của năm 2009. Thứ hai, tồn tại rất nhiều khác biệt về thống kê cũng như phương pháp luận giữa hai phương pháp.

Do vậy, để có thể so sánh, đồ thị phía dưới sẽ tính toán lại các số liệu cũ và số liệu mới do Văn phòng Phân tích Kinh tế (BEA) công bố ngày 31/7 vừa qua, đồng thời lấy thời điểm tính toán cơ sở là quý IV năm 2007.

So sánh số liệu GDP thực của Mỹ theo hai phương pháp thống kê.

Sự thật về cú “ngã ngựa” của Mỹ

Từ đồ thị trên, cần lưu ý một vài nhận xét chính như sau. Trước tiên, khoảng cách chênh lệch từ đỉnh (năm 2008) xuống đáy khủng hoảng (quý II năm 2009) không lớn như những tính toán cũ. Thay vì giảm 4,7%, theo phương pháp tính mới, GDP thực của Mỹ trong giai đoạn trên giảm ít hơn 0,4% (GDP thực giảm 4,3%, theo cách tính mới). Nói một cách hình ảnh, cú ngã ngựa của Mỹ đã bớt đau đớn hơn chút ít.

Bắt đầu từ đáy khủng hoảng, pha phục hồi thực ra đã diễn ra mạnh mẽ hơn, theo những số liệu mới. Đặc biệt trong năm 2011, từ quý I năm 2011 đến quý I năm 2012, nền kinh tế Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng thực là 3,3%, chứ không phải như số liệu cũ, chỉ có 2,5%.

Tương tự, GDP thực trong quý I năm 2013 là 3,9% cao hơn gần gấp một phần ba con số được tính toán theo phương pháp cũ là 3%.

Tránh khỏi suy thoái kép

Một điểm thú vị khác, số liệu mới đã chứng minh một sự sụt giảm 0,4% GDP thực trong quý đầu tiên của năm 2011. Đó là thời điểm tốc độ tăng trưởng trong quý đã công bố là tăng 0,1%.

Có lẽ, người Mỹ nên “biết ơn” khi đã được cách tính cũ bỏ qua sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng thực tế. Sau đó, sự suy giảm 0,4% trong quý I năm 2011 đã không kéo dài sang quý tiếp theo, tránh cho Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái kép.

Nếu biết về sự thật này, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng, niềm tin vào nền kinh tế không suy giảm và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thực tế.

Nếu điều đó xảy ra, có thể đã có một hình chữ W trên đồ thị tăng trưởng GDP thực của Mỹ, trong giai đoạn mới bước ra từ cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cách tính GDP mới, cho biết thực sự kinh tế Mỹ đã thoát đáy như thế nào.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Sự kiện