Ảnh: Bloomberg.

 
Minh Duy Thứ Ba | 02/11/2021 09:46

Mỹ cùng các nước tiêu thụ dầu gia tăng sức ép để OPEC+ tăng sản lượng

Giá dầu tăng tạo áp lực lớn cho nhiều nền kinh tế.

Theo Bloomberg, giá dầu thế giới tăng với tốc độ phi mã do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Do đó, Mỹ cùng các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác đang gia tăng sức ép để các nước thành viên OPEC cùng các đối tác sản xuất dầu (OPEC+) tăng sản lượng.

Trong năm qua, các quốc gia tiêu thụ dầu ngày càng lo lắng trước sự tăng nhanh của giá dầu thô: đầu tiên là 50 USD/thùng, sau đó là 75 USD và bây giờ là hơn 85 USD. Và khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, một trong những lãnh đạo của OPEC + cảnh báo rằng khả năng giá dầu thô lên đến 100 USD/thùng là điều có thể, thì hồi chuông cảnh báo thực sự bắt đầu vang lên. 

Giá xăng dầu tăng cao khiến người dân ở nhiều nước gặp áp lực về tài chính. Ảnh: TL.
Giá xăng dầu tăng cao khiến người dân ở nhiều nước gặp áp lực về tài chính. Ảnh: TL.

Hiện nay, khi lạm phát tăng nhanh đẩy một số ngân hàng trung ương tiến tới việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước tiêu thụ khác đang gây áp lực ngoại giao mạnh nhất lên OPEC + cả công khai và kín đáo.

Ba tuần trước đây, đại diện của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu tiếp xúc với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khác, cũng như với các thành viên của OPEC+. Các cuộc tiếp xúc này “đã tăng lên trong những ngày gần đây sau khi giá dầu vượt mức 85 USD/thùng".

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trên quy mô toàn cầu. Mỹ là nước tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất sau hơn một năm nhu cầu suy giảm do đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đang thúc đẩy xu hướng sản xuất điện sử dụng dầu diesel và dầu mỏ, càng khiến nhu cầu về các loại nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Phiên giao dịch năng lượng đầu tuần này tại châu Âu ghi nhận giá các hợp đồng giao hàng vào tháng 11/2021 ở khoảng 83,75 euro/MWh, tăng gấp đôi so với hồi tháng 8/2021.

Trong bối cảnh như trên, các nhà sản xuất dầu mỏ lại vẫn rất e dè trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, càng khiến nỗ lực “lấp đầy các kho dự trữ xăng dầu” trở nên xa vời. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, lượng dầu thô tồn kho của Mỹ đã giảm 400.000 thùng trong tuần qua, thay vì dự báo tăng 2-3,3 triệu thùng. Cùng với đó, lượng xăng tồn kho hằng tuần của quốc gia này giảm 5,4 triệu thùng, sản phẩm chưng cất giảm 3,9 triệu thùng. Như vậy, lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ đã ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã dẫn tới những tác động tiêu cực về kinh tế, đặc biệt là thị trường tiêu dùng trên toàn cầu. 

Ngày 4/10, các nước OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 như đã thỏa thuận trước đó, bất chấp nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng mạnh đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới sau những tác động của đại dịch.

Trong tháng 10, giá dầu mỏ đã tăng lên mức hơn 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm qua. Theo giới phân tích, việc giá dầu liên tục tăng cho thấy cuộc khủng hoảng về năng lượng toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế cần tăng tính dự báo để ứng phó một cách linh hoạt trong việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là các quốc gia châu Á, khu vực đang trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Có thể bạn quan tâm:

Năng lượng cho tăng trưởng