Thứ Ba | 03/04/2012 21:06

Mỹ còn rất ít lựa chọn để đối phó với Triều Tiên

Mỹ và các đồng minh hiện có quá ít lựa chọn để trừng phạt Triều Tiên do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng.
Trước quyết tâm theo đuổi kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi giới chức Triều Tiên "can đảm theo đuổi hòa bình" và cảnh báo nếu Bình Nhưỡng không thay đổi kế hoạch thì họ sẽ phải đối mặt với sự cô lập nặng nề hơn của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù vậy, cả Tổng thống Obama lẫn giới chức Nhà Trắng vẫn chưa thể tìm kiếm được biện pháp trừng phạt thích hợp nếu Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa.

Nhiều nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng Washington sẽ đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt trước đó. Tuy nhiên, những nỗ lực đó sẽ gặp không ít khó khăn nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẽ chống lại mọi động thái có thể đe dọa đến sự ổn định của người láng giềng lâu năm.

Chuyên gia về Đông Bắc Á tại Trung tâm Belfer, Đại học Havard, John Park, cho rằng dù Trung Quốc tỏ ra thất vọng trước động thái của Bình Nhưỡng và từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch phóng tên lửa, song mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh vẫn là bảo vệ Triều Tiên và ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ non trẻ của Kim Jong-un. Ông Park cũng tỏ ra hoài nghi việc Washington sẽ sẵn sàng mạo hiểm mối quan hệ với Bắc Kinh bằng việc xử phạt các công ty Trung Quốc giao dịch với chính phủ Triều Tiên

Bên cạnh đó, có rất nhiều quan ngại về phản ứng của Triều Tiên nếu lệnh trừng phạt được đưa ra. Trong quá khứ, Triều Tiên từng trục xuất toàn bộ thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc, tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán viện trợ, giải trừ quân bị và tiến hành thử nghiệm thiết bị hạt nhân mới sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng,

"Câu hỏi đặt ra là Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao khi bị trừng phạt. Lịch sử cho thấy Bình Nhưỡng luôn phản ứng theo hướng tiêu cực," nhà phân tích Gordon Flake thuộc Hội đồng Bảo an nhận xét.

Nguy cơ đó là khá rõ ràng bởi mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên hiện ở mức báo động và có khả năng leo thang thành xung đột lớn. Năm 2010, quân đội Triều Tiên đã nã pháo vào một hòn đảo nằm trong khu vực lãnh hải giữa hai miền khiến 4 người thiệt mạng. Trước đó, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm phóng ngư lôi làm đắm một tàu chiến của nước này, khiến 46 binh lính thiệt mạng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc trên.

Hiện Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đang triển khai các biện pháp  kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động thương mại vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên và áp đặt thêm các hạn chế về ngân hàng và tài chính đối với Triều Tiên như trong quá khứ.

Tuy nhiên, cơ hội khá mong manh nếu Mỹ không thể thuyết phục Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất đồng thời là đối tác thương mại của Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch phóng tên lửa, nhưng cơ hội là khá mong manh, ông Park nhận định.

Nguồn Palmbeachpost/DVT


Sự kiện