Mỹ có thể trở thành Hy Lạp thứ hai vào năm 2021
Cứ mỗi tháng 1 hàng năm, CBO lại đưa ra các dự báo cho kinh tế Mỹ trong vòng 10 năm tới. Kể từ năm 1997, cơ quan này không ít lần đánh giá thấp nợ hàng năm của nước Mỹ và gần như lúc nào cũng đưa ra một hình ảnh lạc quan về tương lai.
Cách đây 10 năm, CBO dự báo rằng tính đến năm 2012, nợ Mỹ sẽ vào khoảng 7,6 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, sự thực là số nợ này đã cao gấp hai lần dự đoán đó vào thời điểm hiện tại. Có thể thấy rằng, kể từ năm 1997, số nợ mà CBO dự báo luôn thấp hơn thực tế 40% - thậm chí họ còn lờ đi cả cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2009.
Mới đây, CBO ước tính rằng nợ liên bang Mỹ sẽ lên đến 25 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, do dự báo của CBO luôn thấp hơn 40%, số nợ chính xác mà nước Mỹ phải gánh vào thời điểm đó ước tính lên đến 35 nghìn USD.
Với núi nợ 35 nghìn tỷ USD, nước Mỹ sẽ thế nào? Đó là câu hỏi mà giáo sư kinh tế học tại Đại học Duquesne, Antony Davies và nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế chính trị thuộc Đại học Utah, ông James R. Harrigen đặt ra trên tờ MarketWatch.
Theo Davies và Harrigen, CBO đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo dõi và dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. CBO cho rằng quy mô kinh tế Mỹ sẽ vượt qua 24.000 tỷ USD vào năm 2021. Điều đó đồng nghĩa nợ của nước Mỹ sẽ chiếm gần 150% GDP, tương đương với Hy Lạp ở thời điểm hiện tại.
Tính đến hôm nay 6/9, nước Mỹ mới trả được khoảng 2,6% lãi. Thậm chí ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục giữ lãi suất thấp trong vòng 9 năm tới, nước Mỹ vẫn phải trả gần 1 nghìn tỷ USD lãi vay vào năm 2021. Con số đó còn lớn hơn cả số tiền mà nước Mỹ chi cho ngân sách quốc phòng, hay an sinh xã hội vào thời điểm hiện tại, thậm chí còn nhiều hơn cả số tiền mà Mỹ đổ vào cuộc chiến Iraq.
Nếu lãi suất trở về mức năm 2003 (4,7%), số tiền lãi mà Mỹ phải trả sẽ lên tới 1,6 nghìn tỷ USD.
Liệu Mỹ có trở thành Hy Lạp thứ hai? |
Để thoát khỏi thảm cảnh đó, Devies và Harrigan cho rằng kinh tế Mỹ cần 4 yếu tố, đó là: thị trường tự do hơn, đủ tiền trả nợ, chi tiêu hạn chế và thời gian.
Yếu tố đầu tiên là yếu tố mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện ngay lập tức bằng cách bãi bỏ các quy định mang thiên hướng chủ nghĩa thân hữu. Các quy định bảo vệ quyền tài sản của người dân là tốt song những quy định ngăn cản cạnh tranh hoặc thiên vị các ngành công nghiệp mang tính chính trị thì hoàn toàn không, Davies nói.
Yếu tố thứ hai xuất phát từ việc chính phủ Mỹ muốn quay trở lại chế độ bản vị vàng. Một ngày nào đó, các lý thuyết kinh tế đã đủ tiến bộ và các loại máy tính đã đủ mạnh để giúp con người kiểm soát tốt hơn nguồn cung tiền, song ở thời điểm hiện tại thì điều đó vẫn còn khá xa vời và tốt nhất Mỹ nên ngừng các biện pháp mang tính vá víu tạm thời bởi những biện pháp đó chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn, hai nhà phân tích khẳng định.
Theo Davies và Harrigan, giờ là lúc chính phủ Mỹ nên đưa ra những quyết định mạnh mẽ và quyết liệt. Cả hai nhà phân tích cung cho rằng chính phủ nên sửa đổi hiến pháp để hạn chế chi tiêu quốc gia còn 20% GDP hoặc thấp hơn nữa.
Đối với yếu tố cuối cùng: Thời gian. Hiển nhiên là nước Mỹ không còn nhiều thời gian. Nếu như những người đứng đầu nước Mỹ không nhanh chóng nhận ra những vấn đề hiện tại, viễn cảnh chìm ngập trong nợ của Hy Lạp sẽ hiển hiện ngay trên đất Mỹ.
Nguồn Marketwatch/Khampha