Thứ Tư | 19/09/2012 19:07

Mỹ có thể dỡ lệnh cấm vận đối với hàng hóa Myanmar

Chính quyền tổng thống Obama mới đây cho biết có thể dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với các loại hàng hóa do Myanmar sản xuất.
Theo các nhà phân tích, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 9 năm qua đối với các hàng hóa của Myanmar, đối tượng đầu tiên được hưởng lợi chính là ngành dệt may của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo đó, các doanh nghiệp may mặc tại Myanmar có thể mở rộng thêm dây chuyền sản xuất. Trước khi Washington ban hành lệnh cấm vận với các sản phẩm của Myanmar vào năm 2003, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp dệt may nước này. Bên cạnh đó, Myanmar cũng xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản và các thị trường châu Á khác.

Cũng như nhiều quốc gia khác, dệt may là một trong những ngành công nghiệp thâm dụng lao động cao nhất và là một trong những động lực xuất khẩu chủ lực của Myanmar.

Cuối tháng này, quốc hội Mỹ quyết định gia hạn lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Myanmar thêm một năm với lý do muốn tăng áp lực buộc chính quyền Myanmar đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách.

Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Obama cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp Myanmar tăng cường thương mại với Mỹ, qua đó đẩy nhanh quá trình cải cách dân chủ, đồng thời giúp quốc gia Đông Nam Á này vực dậy nền kinh tế yếu kém.

Quan điểm của tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhà hoạt động dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi, khi bà có chuyến thăm Mỹ đầu tiên sau 15 năm bị quản thúc tại gia. Tại cuộc họp báo hôm qua 18/9, bà Suu Kyi cho biết: "Myanmar không nên phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp trừng phạt của Mỹ để đẩy nhanh quá trình cải cách dân chủ. Myanmar phải làm điều đó vì chính bản thân mình".

Sự ủng hộ của bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, được coi là một trong những động lực quan trọng giúp chính quyền ông Obama cho phép các hàng hóa do Myanmar sản xuất quay trở lại thị trường Mỹ, tạp chí Forbes nhận định.

Theo các nhà phân tích, việc Washington gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu sẽ mang lại cả lợi ích cho Myanmar cũng như chính quyền tổng thống Obama. Ngành dệt may Myanmar có thể bắt đầu tuyển dụng trở lại và hàng chục nghìn công nhân có thể trở lại làm việc sau thời gian dài thất nghiệp. Trong khi đó, tổng thống Obama cũng có cơ hội ghi điểm trong mắt cử tri về khả năng đối ngoại trong bối cảnh cuộc bầu cử chính thức đang tới gần, hãng Forbes nhận định.

Nguồn Forbes/Khampha


Sự kiện