Mỹ chuẩn bị áp dụng biện pháp trừng phạt mới với Nga?
Các Thượng nghị sĩ Mỹ đã đạt được thoả thuận về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm một điều khoản ngăn cản Nhà Trắng nới lỏng, đình chỉ hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt mà không được Quốc hội thông qua.
Thỏa thuận này sẽ được đưa vào trong một dự luật nhằm mục đích trừng phạt Iran. Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu ngay trong tuần này.
Các nguyên nhân của động thái này bao gồm việc Nga bị cho là can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, việc Nga sáp nhập vùng Crimea, cộng thêm việc hỗ trợ chính phủ Syria.
Bên cạnh việc thiết lập một quy trình để Quốc hội xem xét những thay đổi trong các biện pháp trừng phạt, dự luật này sẽ tiến hành luật hóa việc trừng phạt mà trước đây được ban hành thông qua sắc lệnh hành pháp (executive order) của tổng thống, bao gồm một số dự án năng lượng của Nga và vay nợ trong một số ngành.
Nó sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những công dân Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria và tiến hành các cuộc tấn công không gian mạng cho chính phủ Nga.
Các biện pháp này cũng sẽ cho phép các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngành khai thác mỏ, kim loại, vận tải và đường sắt của Nga.
Dự luật này được ủng hộ bởi cả các đảng Cộng hòa và Dân chủ, và dự kiến sẽ dễ dàng được Thượng viện thông qua.
Hiện tại, đang có nhiều tranh cãi tại Mỹ về mối quan hệ ngoại giao với Nga, cộng thêm các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và các ủy ban Quốc hội về việc liệu Nga có gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ để giúp ông Donald Trump trở thành Tổng thống, và liệu các cộng sự của Trump có hợp tác với Moscow nhằm tác động đến cuộc bầu cử.
Để trở thành luật, một đạo luật sẽ phải được Hạ viện thông qua và được ông Trump ký ban hành. Nếu ông Trump từ chối, một số người ủng hộ dự luật cho biết họ kì vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội để bỏ qua quyền phủ quyết của Tổng thống.
"Những biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ ... gửi một tuyên bố mạnh mẽ từ lưỡng đảng tới Nga và bất kỳ nước nào khác, rằng những ai can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ sẽ bị trừng phạt", Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện nói.
Nga đã phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ, và ông Trump cũng đã bác bỏ điều này.
Vào tháng 12/2016, tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, Washington đã phê chuẩn lệnh trừng phạt lên nhiều doanh nhân và công ty của Nga thông qua sắc lệnh hành pháp.
Mạnh Đức
Nguồn Reuters