Mỹ: Chính quyền Syria sẽ phải lãnh hậu quả cao nhất vì vũ khí hóa học
Ông Kerry nhấn mạnh việc giết hại dân thường, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bằng vũ khí hóa học là vi phạm nghiêm trọng đạo đức quốc tế, và không gì có thể biện minh cho hành động đó.
Ngoại trưởng Kerry cho biết tổng thống Obama đang tham khảo ý kiến của các đồng minh trước khi quyết định đưa ra phản ứng thích hợp. Theo Reuters, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và các đồng minh châu Âu, Trung Đông đã nhóm họp tại Jordan để quyết định biện pháp trừng phạt với chính quyền Assad.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cũng khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là điều không thể chấp nhận được, và đối tượng phải chịu trách nhiệm cho hành động đó chính là chính quyền Syria mà người đứng đầu là tổng thống Bashar al Assad.
Phản ứng của Washington được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các chuyên gia về vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc được phái tới Syria bị một số kẻ lạ mặt dùng súng bắn tỉa tấn công khi đang trên đường điều tra hiện trường vụ tấn công hóa học ở Damascus.
Washington cũng cáo buộc quân đội Syria cố tình tăng cường bắn phá các khu vực được cho là nơi diễn ra các vụ tấn công hóa học, nhằm ngăn cản các nhà điều tra Liên Hợp Quốc thu thập chứng cứ và xóa dấu vết.
Trước đó, hôm 26/8, Liên Hợp Quốc tuyên bố đã thu thập đủ các bằng chứng có giá trị về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus. Phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc "sẽ sớm hoàn thành phân tích khoa học và công bố báo cáo tường thuật dựa trên bằng chứng về các vụ việc và các thông tin khác".
Trong khi đó, theo các nhà hoạt động thì cho biết ít nhất có khoảng 80 người ở thị trấn Mouadamiya của Syria đã thiệt mạng do trúng khí độc. Hàng trăm người khác ở 3 thị trấn do phe đối lập Syria kiểm soát là Irbin, Ain Tarma và Jobar cũng thiệt mạng vì loại vũ khí chưa xác định.
Về phần mình, chính quyền Syria lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, đồng thời cảnh báo Mỹ và các đồng minh sẽ tự chuốc lấy thất bại nếu can thiệp vào Syria.
Nga - quốc gia đồng minh thân cận nhất của Syria - cũng cho rằng các nước phương Tây không đủ bằng chứng để kết luận Damascus có sử dụng vũ khí hóa học hay không. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chính phe đối lập Syria mới là đối tượng đáng bị tình nghi đứng sau vụ tấn công hóa học ở thủ đô Damascus. Ông Lavrov cũng cảnh báo việc can thiệp quân sự vào Syria mà không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Nguồn Reuters/Dân Việt