Hồng Kông lại rơi vào vòng xoáy bất ổn. Ảnh: Getty Imagines
Mỹ chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông, nhà giàu Trung Quốc lo chuyển tài sản
Xoá bỏ ưu đãi và trừng phạt gia tăng
Tại họp báo ngày 29.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu xóa bỏ các biện pháp ưu đãi cho Hồng Kông, nói rằng thành phố này đã không còn "tự trị" trước Trung Quốc. Phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ông Trump nói: "Chúng tôi sẽ hành động để xóa bỏ ưu đãi cho Hồng Kông".
Mỹ cũng sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông "tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong việc kết liễu tự trị của Hồng Kông", ông Trump nói. Cũng ngày 29.5, ông Trump nói Mỹ sẽ có biện pháp bảo vệ các đại học Mỹ trước nỗ lực ăn cắp công nghệ của Trung Quốc. Ông nói sẽ cấm nhập cảnh với "một số người từ Trung Quốc" bị xem là rủi ro an ninh.
Ngay sau phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng công bố lệnh tạm ngừng nhập cảnh với sinh viên sau đại học và nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ thứ Hai tuần sau và tiếp tục cho tới khi Tổng thống can thiệp. Lệnh này nói Trung Quốc "sử dụng một số sinh viên, đa số là sau đại học, để thu thập tài sản trí tuệ". Nhà Trắng nói chính sách mới sẽ không ảnh hưởng sinh viên Trung Quốc đi học ở Mỹ vì nguyên do "hợp pháp".
Lệnh mới nhắm vào những sinh viên và công dân Trung Quốc đã từng làm việc, học và nghiên cứu với các cơ quan Trung Quốc mà Mỹ nói hỗ trợ chương trình "Quân sự - Dân sự kết hợp" của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 28.5, 4 nước Hoa Kỳ, Anh, Canada và Úc đã ra một thông cáo chung lên án Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc sau khi nước này thông qua đạo luật về an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Bốn nước này bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” của họ về một đạo luật “sẽ hạn chế các quyền tự do của người dân Hồng Kông” và “làm xói mòn nghiêm trọng nền tự trị và hệ thống đã giúp cho vùng lãnh thổ này thịnh vượng như thế”.
Theo hãng tin AFP, các nguồn tin ngoại giao vừa cho biết là Hoa Kỳ và Anh đã thuyết phục được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận không chính thức, trong một phiên họp kín và qua video, về tình hình Hồng Kông.
Quốc hội Trung Quốc ngày 28.5 chấp thuận cho soạn thảo đạo luật an ninh Hồng Kông, dự kiến sẽ có hiệu lực trước tháng 9. Nhiều nước phương tây như Mỹ cho rằng đạo luật có thể làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hồng Kông. Chính sách "một quốc gia, hai chế độ" được đặt ra khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Luật an ninh quốc gia được đặt ra nhằm xử lý các vấn đề ly khai, khủng bố và nước ngoài can thiệp tình hình Hồng Kông, và có thể cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc đặt cơ sở tại đặc khu.
Các công ty niêm yết của Trung Quốc vào tầm ngắm
Năm 2018, Hồng Kông có khối lượng giao dịch cao thứ 7 thế giới với tổng giá trị gần 1.200 tỉ USD. Phần lớn số hàng hóa đó đi qua hoặc xuất phát từ Trung Quốc đại lục. Khoảng 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ và 6% hàng nhập khẩu vào đại lục từ Mỹ đi qua Hồng Kông. Năm 1997, kinh tế Hồng Kông chiếm 18% GDP Trung Quốc. Hiện đặc khu này chỉ còn chiếm 2-3% GDP Trung Quốc.
Số các công ty có văn phòng đặt tại Hồng Kông |
Rất nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Các công ty Trung Quốc đại lục cũng hưởng lợi lớn từ ngành dịch vụ tài chính của Cảng thơm.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ ngày 29.5 ra lệnh điều tra hoạt động của những công ty Trung Quốc có niêm yết tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng. Cho tới tháng 2.2019, theo Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, có 156 công ty Trung Quốc với tổng giá trị vốn hóa thị trường 1,2 ngàn tỉ USD đã niêm yết tại các thị trường tài chính Mỹ. Ít nhất 11 công ty trong đó thuộc sở hữu nhà nước.
Trước tình hình này, tờ Hong Kong Business có bài viết với tựa đề "Người giàu Trung Quốc trốn tránh Hồng Kông để tìm kiếm sự an toàn tài sản ở nơi khác", trong đó có đoạn viết: "Một số người đang tìm cách chuyển tài sản của họ ra nước ngoài đến Singapore và Thụy Sĩ”. Trong khi đó, những người giàu có của Trung Quốc dự kiến sẽ đổ ít tiền hơn vào Hồng Kông.
"Vì lo ngại rằng việc Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho thành phố có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi và tịch thu tài sản của họ", giới chủ ngân hàng và các nguồn tin trong ngành được Hong Kong Business dẫn lời cho biết.
"Hơn một nửa số người Hồng Kông có khối tài sản tư nhân ước tính hơn 1.000 tỉ USD là từ các cá nhân từ Trung Quốc đại lục đã gửi tiền ở đó, vẫn theo các chủ ngân hàng. "Thành phố đã được hưởng lợi từ sự gần gũi với Trung Quốc và một hệ thống pháp lý riêng biệt, cũng như đồng tiền được chốt bằng USD, nhưng hiện đang lo lắng về việc mất đi vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu do vốn và tài năng bay biến," Hong Kong Business quan ngại.
Xem thêm: Trung Quốc thông qua Nghị quyết Luật An ninh Hồng Kông