Mỹ cạn visa định cư cho nhà giàu Trung Quốc
Đầu tuần, ông Charles Oppenheimer - Cục trưởng Cục quản lý thị thực Mỹ cho biết không còn visa định cư để cấp cho công dân Trung Quốc từ giờ cho đến cuối năm.
Được biết, EB-5 là chương trình nhập cư của Mỹ mà theo đó người nước ngoài sẽ được cấp thẻ xanh khi đầu tư ít nhất 500.000 USD và tạo mới 10 việc làm tại Mỹ.
Hạn mức visa của chương trình này là 10.000 cuốn mỗi năm, đây là lần đầu tiên lượng visa cấp ra chạm hạn mức trần kể khi chương trình khởi động năm 1990.
“Visa hết nhanh như vé xem phim vậy, hiện không còn một chiếc nào thừa”, ông Bernard Wolfdorf, nhà sáng lập công ty luật chuyên về nhập cư Wolfsdorf Rosenthal cho biết. “Hầu hết tất cả visa trong hạn mức đã được đặt trước”.
Có tới 10.300 đơn xin visa chưa được giải quyết và phải mất ít nhất 3 năm để xử lý chúng, ông Wolfsdorf nhận định.
Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với những nhà nhà đầu tư muốn mang con cái theo, bởi thẻ xanh chỉ được cấp khi con cái họ dưới 21 tuổi tại thời điểm xét duyệt.
“Mọi người đang chen chân nộp đơn xin visa càng sớm càng tốt. Nếu không họ sẽ phải chờ lâu hơn”, ông Wolfdorf cho biết.
Năm 2013, công dân mang quốc tịch Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng visa vào Mỹ của chương trình EB-5, con số này chỉ đứng ở mốc 13% trước đó một thập kỷ.
Điều đó đồng nghĩa với việc gần 6.900 visa EB-5 đã được cấp cho công dân Trung Quốc trong năm 2013, vậy nên chỉ còn thừa ra 16 visa để cấp trong năm 2014.
Đối với tầng lớp thượng lưu Trung Quốc, Mỹ là một vùng đất nhiều cơ hội hấp dẫn. Thẻ xanh là chiếc khìa khóa để con cái họ đến Mỹ du học, tránh xa ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thêm vào đó, chương trình EB-5 của Mỹ tương đối rẻ. Tại Úc, nhà đầu tư cần bỏ ra 4,5 triệu USD - cao gấp 9 lần so với mức đầu tư tối thiểu tại Mỹ - để được nhận visa ưu tiên.
Các chuyên gia cho biết chương trình đã tăng vọt và trở lên phổ biến trong năm nay, đặc biệt khi Canada vừa kết thúc chương trình tương tự - từng được người Trung Quốc ưa chuộng.
Những ý kiến ủng hộ cho rằng các nhà đầu tư nhập cư đã cung cấp một nguồn tài chính thay thế quan trọng, ít nhất 5 USD tỷ USD đã được rót vào tạo việc làm mới và các dự án trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Thêm vào đó, những người nhập cư giàu có còn đóng góp cho nền kinh tế địa phương thông qua việc mua nhà, mua xe hơi, và thanh toán tiền học phí cho con cái, Wolfsdorf phân tích.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chương trình này là cách giới thượng lưu toàn cầu mua “tư cách công dân” ở Mỹ. Những người khác cho rằng chương trình còn quá nhiều vấn đề về tham nhũng và việc quản lý thị thực yếu kém dễ xảy ra gian lận.
Nguồn Bizlive